Cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên
(VOV) - Giới quan sát hy vọng đàm phán các cấp giữa 2 miền Triều Tiên thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Bán đảo Triều Tiên đã có những dấu hiệu lắng dịu sau khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong hai ngày qua liên tục đưa ra những đề xuất về các cuộc đàm phán các cấp giữa hai bên nhằm giải quyết bất đồng.
Hàng loạt xe tải của Hàn Quốc bị cấm vào Khu công nghiệp chung Kaesong hồi tháng 4 vừa qua (Ảnh: CNN) |
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 7/6, CHDCND Triều Tiên đề xuất tiến hành đàm phán cấp chuyên viên với Hàn Quốc tại thành phố Kaesong, phía Bắc khu phi quân sự Panmunjom ở biên giới liên Triều vào ngày 9/6 tới để chuẩn bị cho các cuộc đối thoại cấp bộ trưởng do phía Hàn Quốc đề nghị trước đó. Tuyên bố của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên cũng thông báo sẽ khởi động lại kênh liên lạc giữa hai miền thông qua Hội Chữ Thập đỏ tại Panmunjom bắt đầu từ 14 giờ ngày 7/6 (theo giờ địa phương). Bình Nhưỡng hy vọng Seoul sẽ trả lời đề xuất đàm phán thông qua kênh liên lạc này.
Trước đó, ngày 6/6, Triều Tiên đã đề nghị tiến hành đối thoại giữa chính phủ hai miền về việc cho hoạt động trở lại khu công nghiệp chung Kaesong và tour du lịch tới núi Kumgang. Đáp lại đề xuất này, phía Hàn Quốc cho biết, muốn tiến hành một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng vào ngày 12/6 tới ở Seoul để giải quyết các vấn đề khu công nghiệp chung Kaesong, du lịch tới núi Kumgang, cũng như vấn đề các gia đình ly tán giữa hai miền.
Phát biểu trước báo chí ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae cho biết: “Chúng tôi hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ khôi phục các kênh đối thoại giữa hai miền Triều Tiên, kể cả văn phòng liên lạc liên Triều tại làng Panmunjom từ hôm nay để hai bên có thể thảo luận các cuộc đàm phán trù bị”.
Nếu được xúc tiến theo kế hoạch, đây sẽ là đối thoại cấp bộ trưởng đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ tháng 9/2011.
Cộng đồng thế giới ngay lập tức hoan nghênh động thái mới này của hai miền Triều Tiên. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, trong một tuyên bố mới nhất, đánh giá đây là một diễn biến đáng khích lệ hướng tới giảm căng thẳng, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng khuyến khích Seoul và Bình Nhưỡng, nhân cơ hội này, xây dựng lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau, đồng thời một lần nữa khẳng định, tất cả những bất đồng giữa hai bên cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Về phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo cuối giờ chiều 6/6, Người phát ngôn Bô Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh sự ủng hộ kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Trung Quốc bày tỏ vui mừng, hoan nghênh thỏa thuận của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong việc nối lại các cuộc tiếp xúc, đối thoại. Chúng tôi cũng ủng hộ hai nước giải quyết các vấn đề và cải thiện quan hệ qua các cuộc đối thoại và tham vấn. Hy vọng các bên liên quan sẽ nỗ lực duy trì trạng thái này”.
Khu công nghiệp chung Kaesong được xem là biểu tượng hợp tác chủ chốt giữa hai miền Triều Tiên, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi được thành lập vào năm 2004. CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp này vào đầu tháng 4 vừa qua và rút toàn bộ 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc tại đây./.