Cơ quan điều tra Pháp gia hạn lệnh bắt giữ “Cha đẻ” Telegram
VOV.VN - Bất chấp sự phản đối của Nga, cơ quan tư pháp Pháp hôm qua quyết định gia hạn lệnh bắt giữ nhà sáng lập Telegram người Pháp gốc Nga Pavel Durov. Ông Durov trước đó đã bị bắt tại sân bay Le Bourget ở Paris vì những cáo buộc liên quan đến ứng dụng tin nhắn này.
Theo các nguồn tin gần gũi với cuộc điều tra, thời gian giam giữ ban đầu để thẩm vấn có thể kéo dài tối đa 96 giờ. Khi giai đoạn giam giữ này kết thúc, thẩm phán có thể quyết định trả tự do cho bị cáo hoặc truy tố và giam giữ thêm.
Các nhà điều tra Pháp trước đó hôm 24/08 đã ban hành lệnh bắt giữ ông Pavel Durov như một phần của cuộc điều tra về các cáo buộc gian lận, buôn bán ma tuý, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố và bắt nạt trên mạng. Các nhà điều tra cho biết, ông Durov dường như đã không hành động để hạn chế việc sử dụng nền tảng của mình cho mục đích bất hợp pháp.
Trong tuyên bố tối qua, Telegram cho biết, nền tảng này luôn tuân thủ luật pháp Liên minh châu Âu, trong đó có Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số. Tuyên bố của Telegram nêu rõ: “Giám đốc điều hành của Telegram, Pavel Durov, không có gì phải che giấu và thường xuyên đi du lịch ở châu Âu . Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng đó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình huống này.”
Chính phủ Nga đã chỉ trích Pháp “từ chối hợp tác”. Theo Đại sứ quán Nga tại Pháp, ngay sau khi có thông tin về vụ bắt giữ ông Durov, phía Nga đã ngay lập tức yêu cầu các cơ quan Pháp làm rõ lý do và yêu cầu họ đảm bảo bảo vệ quyền lợi của ông Durov và cung cấp quyền tiếp cận lãnh sự”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của Pháp. Đại sứ quán Nga cũng cho biết thêm vẫn đang liên lạc với luật sư của ông Durov.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cùng ngày kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Giám sát Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế gây áp lực để Pháp thả người sáng lập Telegram. Trong khi đó các nhà lập pháp Nga cho rằng, vụ việc có thể mang động cơ chính trị.
Nghị sĩ Quốc hội Nga Maria Butina khẳng định: “Bạn nghĩ gì về ông ấy không quan trọng. Ông ấy đã đưa ra một số tuyên bố nhất định, ông ấy đã rời khỏi Nga. Nhưng ông ấy vẫn giữ quốc tịch (Nga) của mình, điều đó có nghĩa là theo Hiến pháp của chúng tôi, chúng tôi sẽ bảo vệ ông ấy”.
Từ năm 2014 đến 2021, Telegram bị ngày càng nhiều nước giám sát vì đây là nền tảng được nhiều nhóm sử dụng để tổ chức biểu tình và chia sẻ nội dung cực đoan. Tuy vậy, ông Durov tiếp tục từ chối kiểm duyệt và xây dựng hình ảnh mình là người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận.
Năm 2022, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Telegram trở thành nền tảng mạnh xã hội chính mà cả Nga và Ucraina dùng để đăng nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trước đó cho rằng vụ bắt Nhà sáng lập Telegram có thể khiến chính quyền Pháp phải trả giá đắt.