Con đường gia nhập NATO của Thụy Điển lại trắc trở
VOV.VN - Chính phủ Thuỵ Điển đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có sau vụ kinh Koran bị đốt bên ngoài một đền thờ Hồi giáo ở nước này hôm 28/6. Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo vào đúng dịp lễ quan trọng Eid al-Adha, đồng thời khiến cơ hội gia nhập NATO ngay trong tháng 7 này trở nên khó khăn hơn.
Tại Iraq, cảnh sát hôm qua đã phải phong toả các tuyến phố bao quanh Đại sứ quán Thuỵ Điển ở thủ đô Bahdad khi các cuộc biểu tình phản đối hành động đốt kinh Koran bước sang ngày thứ 2.
Bộ Ngoại giao Iraq trước đó đã triệu Đại sứ Thuỵ Điển và đề nghị dẫn độ Salwan Momika - đối tượng người Iraq nhập cư đã đốt bản sao kinh Koran hôm 28/6 ngay trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm.
Các tín đồ Hồi giáo và chính phủ nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ma Rốc, Iran và mới đây nhất là Kuwait đã triệu đại diện ngoại giao của Thụy Điển để phản đối hành vi "thiếu tôn trọng và xúc phạm thế giới Hồi giáo".
Vụ việc cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với Thổ Nhĩ Kỳ khi Thuỵ Điển chờ đợi sự hậu thuẫn của Ankara để được gia nhập NATO ngay tháng 7 này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 30/6 lên án hành động đốt kinh Koran, đồng thời tuyên bố nước này sẽ có phản ứng mạnh mẽ nhất có thể. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo nếu Thuỵ Điển không thể hiện sự tôn trọng với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Hồi giáo, ông sẽ không ủng hộ việc nước này gia nhập NATO.
Tại Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Vedant Patel cùng ngày chỉ trích việc đốt kinh Koran là hành vi thiếu tôn trọng và gây tổn thương, song khẳng định không thay đổi lập trường ủng hộ quy chế thành viên NATO của Thuỵ Điển.
“Chúng tôi đã nói một cách nhất quán rằng việc đốt các văn bản tôn giáo là hành vi thiếu tôn trọng và gây tổn thương. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Thụy Điển đã hoàn thành các cam kết của mình theo thỏa thuận ghi nhớ ba bên đã được thống nhất với Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022. Chúng tôi tin rằng Thụy Điển là một đối tác quốc phòng mạnh mẽ, có khả năng chia sẻ các giá trị của NATO và sẽ củng cố liên minh cũng như đóng góp cho an ninh châu Âu. Và chúng tôi tiếp tục tin rằng Thụy Điển cần trở thành thành viên NATO càng sớm càng tốt”, ông Patel nói.
Trong nỗ lực làm dịu căng thẳng, Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristerson thừa nhận rằng không có lý do gì để “sỉ nhục người khác”, song cũng nhấn mạnh hành động phá hoại các Đại sứ quán của Thụy Điển ở nước khác là không thể chấp nhận được.
“Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc nhiều người phá hoại các Đại sứ quán của Thụy Điển ở nước khác. Tại Thuỵ Điển cũng vậy, chúng ta cũng cần phải tỉnh táo. Đây là một chính sách an ninh nghiêm túc và không có lý do gì để xúc phạm người khác. Tôi nghĩ lúc này chúng ta cần tập trung vào những điều quan trọng”, ông Kristerson nhấn mạnh.
Vụ việc xảy ra chỉ 5 tháng sau một vụ tương tự trong cuộc biểu tình tháng 1/2023 ở trước cửa Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Điển, dẫn tới việc tẩy chay hàng hóa Thụy Điển và khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tạm thời ngừng các cuộc đàm phán gia nhập NATO với Thụy Điển.
Trong một diễn biến liên quan, các phương tiện truyền thông Hungary mới đây cho biết Quốc hội nước này sẽ hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển sau khi một ủy ban Hạ viện đã từ chối đề xuất lên lịch biểu quyết về việc này.