Con đường tới hòa bình của Mali còn nhiều chông gai
VOV.VN - Cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống vòng 2 của người dân Mali diễn ra khá suôn sẻ nhưng giới quan sát vẫn lo ngại.
Ngày 11/8, người dân Mali đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 với hy vọng có thể mang lại một khởi đầu mới cho đất nước đang bị chia cắt và khủng hoảng.
Cuộc bỏ phiếu lần này là cuộc đua giữa hai ứng cử viên cựu Thủ tướng Ibrahim Boubacar Keita của Đảng Tập hợp vì Mali (RPM) nhận được 39,2% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử vòng 1 và cựu Bộ trưởng Tài chính Soumaila Cisse - ứng cử viên của Đảng Liên minh vì nền Cộng hòa và Dân chủ (URD) chỉ giành được 19,4% số phiếu.
Người ủng hộ ứng cử viên Soumaila Cisse tham gia một chiến dịch vận động ở Bamako trước vòng bỏ phiếu thứ 2 (Ảnh: AFP) |
Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa lúc 8 giờ sáng 11/8 (giờ địa phương) tại 21.000 điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước. Trước thềm bầu cử, một số nhóm vũ trang cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc tấn công, vì vậy chính quyền Mali đã huy động khoảng 6.000 nhân viên an ninh, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, nơi các phần tử cực đoan nổi dậy có âm mưu phá hoại trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 ngày 28/7 vừa qua.
Người đứng đầu Phái bộ Liên minh châu Âu tham gia giám sát bầu cử tại Mali đánh giá cao các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử của chính quyền Mali. Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali cho biết cũng đang hỗ trợ chính quyền Mali tổ chức bầu cử.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết: "Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali sẽ giúp cơ quan bầu cử nước này vận chuyển những hòm phiếu tới các điểm bỏ phiếu khá nhạy cảm như Timbuktu, Gao, Kidal... Chúng tôi cũng hỗ trợ lực lượng an ninh và quốc phòng Mali thực hiện các kế hoạch an ninh cho bầu cử. Nhằm tăng số lượng người tị nạn có thể được đi bỏ phiếu, chúng tôi đã hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao phiếu bầu tới những người Mali đang sống tại các trại tị nạn tại một số nước láng giềng".
Cuộc bỏ phiếu hôm nay thành công sẽ giúp đưa đất nước Tây Phi này tiến thêm một bước đi mới trong việc hướng tới sự phục hồi sau nhiều tháng khủng hoảng. Pháp hiện cũng hi vọng một cuộc bỏ phiếu thành công sẽ cho phép nước này giảm qui mô hiện diện quân sự tại Mali hiện nay.
Liên Hợp Quốc ngày 10/8 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc bầu cử giúp khôi phục trật tự Hiến pháp và bắt đầu cuộc đối thoại, hòa giải quốc gia. Các cuộc khảo sát trước thềm bầu cử cho thấy, cựu Thủ tướng Ibrahim Boubacar Keita có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn trong cuộc bầu cử lần này, do ông nhận được nhiều sự ủng hộ đối với các cam kết chống lại phiến quân ở phía Bắc, cùng với kinh nghiệm chính trị dày dạn, quan hệ tốt với các nhóm tôn giáo và quân đội cũng như mối liên kết rộng rãi với các nhà lãnh đạo châu Phi khác.
Phát biểu trước thềm bầu cử, ứng cử viên Boubacar Keita cũng cam kết sẽ mở ra một trang mới cho Mali nếu ông đắc cử. Ông Keita nói: “Sau cuộc bỏ phiếu, Mali sẽ tiến lên như một người chiến thắng. Chúng ta sẽ lấy lại uy tín và danh tiếng của Mali trong lịch sử. Chúng ta sẽ trở thành một đất nước giàu đẹp và thịnh vượng, quên đi những cơn ác mộng tồi tệ trong năm qua”.
Mặc dù cuộc bầu cử lần này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới mang lại hòa bình và ổn định tại Mali nhưng các chuyên gia phân tích cảnh báo, con đường dẫn tới hòa bình tại Mali vẫn còn phải đối mặt với nhiều chông gai thách thức.
Ngay trong vòng 1 cuộc bầu cử đã có nhiều cáo buộc về tình trạng gian lận và phản đối kết quả bầu cử. Thậm chí khi cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra suôn sẻ, chính phủ mới được thành lập cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong việc ổn định và khôi phục Mali sau nhiều tháng bất ổn.
Hiện hàng trăm nghìn người tại phía Bắc đi sơ tán chưa được trở về nhà và phiến quân Toureg vẫn kiểm soát một số thị trấn phía Bắc.
Trong chiến dịch tranh cử, các ứng cử viên đều cam kết sẽ tái thiết và xây dựng đất nước, nhưng vẫn nhấn mạnh các mối lo ngại về an ninh bất chấp chiến dịch của Pháp chống lại các nhóm vũ trang vừa qua được cho là thành công. Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của tân tổng thống là phải xem xét đối thoại hòa bình với các nhóm vũ trang, thống nhất và đoàn kết đất nước đang trong tình trạng chia rẽ sâu sắc.
Bên cạnh các vấn đề an ninh, chính phủ mới Mali cũng sẽ phải bắt tay vào các hoạt động vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau nhiều tháng khủng hoảng. Cuộc bầu cử lần này là một phép thử quan trọng để các nhà tài trợ quốc tế đưa ra quyết định nối lại các hoạt động hỗ trợ gần 40 tỉ USD cho Mali đã bị dừng lại sau cuộc đảo chính vào năm 2012./.