Con đường trở thành Thủ tướng Thái Lan sau Tổng tuyển cử 2023
VOV.VN - Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa, cuộc Tổng tuyển cử năm 2023 tại Thái Lan, cuộc bầu cử được truyền thông Thái Lan gọi là “con đường hướng tới tương lai”, sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Dù không trực tiếp do cử tri bầu chọn, song nhân vật trở thành Thủ tướng sẽ có ý nghĩa quyết định đến việc thành lập liên minh cầm quyền và định hình tương lai Thái Lan sau bầu cử.
Thái Lan sẽ có Thủ tướng tiếp theo như thế nào?
Khác những Hiến pháp trước đây, Hiến pháp hiện hành, ban hành từ tháng 4/2017, không yêu cầu Thủ tướng phải là hạ nghị sỹ do dân cử. Theo quy định này, mỗi chính đảng tham gia Tổng tuyển cử có thể đề cử lên Ủy ban Bầu cử quốc gia (EC) tối đa 3 ứng cử viên Thủ tướng.
Hạ viện Thái Lan, gồm 500 hạ nghị sỹ, được trao quyền xem xét và phê chuẩn việc bổ nhiệm một trong những ứng cử viên do các đảng đề cử làm Thủ tướng. Tuy nhiên, một điều khoản tạm thời trong Hiến pháp năm 2017 trao quyền cho Thượng viện, gồm 250 thượng nghị sỹ, sẽ cùng với Hạ viện để bầu chọn Thủ tướng.
Điều khoản tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 5 năm tính từ thời điểm Quốc hội Thái Lan (gồm cả Hạ viện và Thượng viện) triệu tập lần đầu, tức sau Tổng tuyển cử năm 2019. Như vậy, Thượng viện sẽ tiếp tục có quyền tham gia bầu chọn Thủ tướng Thái Lan sau cuộc bầu cử vào ngày 14/5 tới. Đây có thể là lần cuối cùng Thượng viện thực hiện quyền hiến định này.
Để trở thành Thủ tướng, một ứng cử viên cần giành được đa số phiếu bầu (376/750) từ Quốc hội được triệu tập sau Tổng tuyển cử. Ngoài ra, để đủ điều kiện trở thành ứng cử viên Thủ tướng, các ứng cử viên phải đến từ một chính đảng giành được ít nhất 25 ghế hạ nghị sỹ (5% trong tổng số 500 ghế Hạ viện) và được ít nhất 50 hạ nghị sỹ (10% ghế tại Hạ viện) tán thành.
Trong trường hợp không có ứng cử viên Thủ tướng nào đạt được tất cả các tiêu chí trên, để tránh tình trạng chính trường rơi vào bế tắc do không thể thành lập Chính phủ mới, Hiến pháp hiện này có điều khoản chuyển tiếp, cho phép Quốc hội xem xét, lựa chọn những ứng cử viên không do các chính đảng đề cử lên Ủy ban Bầu cử quốc gia. Trước khi thực hiện việc bầu chọn, cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 tổng số nghị sỹ tham dự để đình chỉ quy định ứng cử viên Thủ tướng phải là ứng cử viên của đảng.
Ứng cử viên Thủ tướng nổi bật
Sau khi kết thúc giai đoạn đăng ký tranh cử (3-7/4), Ủy ban Bầu cử đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ 43 chính đảng với 63 ứng cử viên Thủ tướng. Trong số này, 29 chính đảng chỉ đề cử 1 ứng cử viên, 8 chính đảng đề cử 2 và 6 chính đảng đề cử tối đa 3 ứng cử viên. 9 trong số 63 ứng cử viên là phụ nữ, chiếm 14% tổng số ứng cử viên.
Mặc dù có tới 43 chính đảng đề cử ứng cử viên Thủ tướng, tuy nhiên do các quy định phức tạp được đề cập ở trên, nhất là quy định về số ghế hạ nghị sỹ tối thiểu một chính đảng phải giành được (25 ghế), nhiều khả năng sẽ không có nhiều hơn 10 chính đảng đủ điều kiện đề cử ứng cử viên Thủ tướng.
Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 2019, chỉ có 5 đảng đủ điều kiện gồm Đảng Vì nước Thái, Quyền lực Nhà nước nhân dân, Tự hào Thái, Đảng Dân chủ và Hướng tới Tương lai (đã bị giải thể).
Theo đó, các gương mặt sau được cho là các ứng cử viên “nặng ký” cho chức vụ Thủ tướng Thái Lan sau Tổng tuyển cử năm 2023. Người đầu tiên là đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, 69 tuổi, do Đảng Quốc gia Thái thống nhất đề cử.
Tiếp theo là 02 ứng cử viên Thủ tướng do Đảng Vì nước Thái đề cử là Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và Srettha Thavisin, 60 tuổi, cựu trùm bất động sản.
Bên cạnh đó là các ứng cử viên Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, do Đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân đề cử; Anutin Charnvirakul, 56 tuổi của Đảng Tự hào Thái, Jurin Laksanawisit, 67 tuổi của Đảng Dân chủ và Pita Limjaroenrat, 42 tuổi của Đảng Tiến bước.
Thái Lan sẽ có Thủ tướng thứ 30?
Cho đến nay, chính trường Thái Lan đã ghi nhận 29 nhân vật từ nhiều lĩnh vực khác nhau cho vị trí Thủ tướng gồm: 11 sỹ quan quân đội , 9 chuyên gia pháp lý, 5 doanh nhân, 3 công chức Chính phủ và 1 học giả.
Thủ tướng tiếp theo sẽ là nhân vật thứ 30 trừ khi đương kim Thủ tướng Prayuth tiếp tục giành được 376/750 phiếu ủng hộ từ Quốc hội để tại vị.
Tuy nhiên, theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra vào cuối tháng 9/2022 về giới hạn nhiệm kỳ 8 năm của một Thủ tướng, Đại tướng Prayuth sẽ chỉ có thể đảm đương chức vụ Thủ tướng đến tháng 4/2025. Sau đó, Hạ viện Thái Lan sẽ bầu chọn Thủ tướng thứ 30 của “Xứ sở Chùa Vàng” từ danh sách ứng cử viên Thủ tướng mà Ủy ban Bầu cử vừa tiếp nhận mới đây./.