Công đoàn Pháp quyết phản đối luật lao động, đối đầu với chính phủ
VOV.VN - Cho đến thời điểm này, theo một số cuộc thống kê, vẫn có tới 66% người dân Pháp phản đối luật lao động mà chính phủ nước này bảo vệ
Tình hình tại Pháp những ngày qua không bớt căng thẳng khi Tổng liên đoàn lao động Pháp (CGT) tuyên bố sẽ biểu tình, đình công đến cùng đến khi bãi bỏ hoàn toàn luật lao động gây nhiều tranh cãi. CGT cũng tuyên bố sắp tới sẽ có thể diễn ra ngắt điện trên diện rộng do biểu tình, đình công trong ngành điện.
Biểu tình phản đối luật lao động vẫn tiếp diễn ở Pháp. (Ảnh: AFP)
Bầu không khí ở thủ đô Paris nói riêng và trên toàn nước Pháp khá căng thẳng. Dù chính phủ tuyên bố có thể có những điều chỉnh để giảm căng thẳng nhưng tình hình hiện nay cho thấy CGT có thể sẽ đi đến cùng trong những yêu cầu của họ. Nhiều lo ngại khi mà chỉ trong vòng 2 tuần nữa, Pháp tổ chức vòng chung kết Euro 2016 và có tới 7,5 triệu khách du lịch trên toàn thế giới đổ về.
Ngày 27/5, 7 tổ chức công đoàn phản đối luật lao động mới, dẫn đầu là Tổng liên đoàn lao động Pháp (CGT) và Lực lượng Công nhân, đã kêu gọi tăng cường huy động lực lượng và từ ngày mai (28/5) sẽ tiếp tục biểu tình huy động khoảng từ 154.000 - 300.000 người xuống đường.
Các tổ chức công đoàn này đang thể hiện sự quyết tâm “không nhân nhượng” trong vấn đề luật lao động bất chấp những tuyên bố của chính phủ là có thể có điều chỉnh.
Sự phản đối mạnh mẽ nhất vẫn là với điều 2 của luật mà các tổ chức công đoàn cho là đi ngược lại các nguyên tắc của nền cộng hòa Pháp. Mặc dù hôm qua (26/5), Bộ trưởng tài chính Pháp đã tuyên bố có thể sửa đổi điều khoản này, song hiện chưa rõ hướng điều chỉnh sẽ như thế nào và có làm vừa lòng các nghiệp đoàn lao động Pháp hay không.
Trong bối cảnh này, tình trạng xếp hàng dài hay đóng cửa các trạm xăng do thiếu nguồn cung nhiên liệu vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng tại thủ đô Paris và nhiều tỉnh, thành khắp nước Pháp.
Số lượng xe lưu thông trên đường vì thế giảm mạnh và cuộc sống sinh hoạt, làm việc của người dân Pháp bị ảnh hưởng lớn. Nhiều cuộc họp làm việc huy động nhiều đối tượng từ nhiều địa điểm khác nhau đổ về đã bị hủy bỏ do thiếu nhiên liệu và nhiều chuyến tàu bị hủy hoặc chậm trễ. Riêng tại sân bay Orly ở phía Nam thủ đô Paris, số lượng chuyến bay bị hủy lên tới 15%.
Về phía chính phủ, Tổng thống Pháp Francois Hollande hiện đang có mặt tham dự hội nghị G7 tại Nhật Bản bày tỏ thái độ rõ ràng là không có chuyện lùi bước. Ông Hollande nhấn mạnh: “Tôi muốn chúng ta đi đến cùng trong cuộc cải cách này. Nếu luật được thông qua, dự kiến vào đầu tháng 7, thì mọi người sẽ cảm nhận ngay lập tức những hiệu quả tích cực của luật này vào khoảng tháng 9. Và chính người dân Pháp sẽ phán xét xem luật này có cần thiết và hiệu quả hay không”.
Cho đến thời điểm này, theo một số cuộc thống kê, vẫn có tới 66% người dân Pháp phản đối luật lao động./.