Cộng đồng Đông Á - Từ ý tưởng đến hiện thực

Tại cuộc họp cấp cao 3 nước Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cuối tuần qua tại Bắc Kinh, một trong những chủ đề thảo luận quan trọng chính là sáng kiến thành lập cộng đồng Đông Á (EAC)

Trong bối cảnh nền kinh tế Đông Á đang hồi phục nhanh sau khủng hoảng, ý tưởng thành lập cộng đồng Đông Á thu hút sự quan tâm của cả khu vực. Song, con đường từ ý tưởng đến hiện thực còn lắm gian truân.

Đề xuất thành lập cộng đồng Đông Á được cựu Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đưa ra từ Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaisia) hồi trung tuần tháng 12/2005. Nhưng khi đó, đề xuất này đã không nhận được sự phản hồi tích cực của các quốc gia liên quan. Trước hội nghị cấp cao 3 bên cuối tuần qua, sáng kiến này cũng đã hai lần được Nhật Bản đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Pittsburgh (Mỹ) và tại cuộc họp cấp ngoại trưởng 3 nước Trung - Nhật - Hàn tại Thượng Hải. Và lần này, đề xuất cũng không còn đơn thuần chỉ xây dựng một cộng đồng kinh tế khu vực Đông Á theo mô hình của Liên minh Châu Âu, có nghĩa là có sự gắn kết trên nhiều lĩnh vực cả kinh tế lẫn chính trị, an ninh.

Trong bối cảnh nền kinh tế Châu Á phục hồi có phần nhanh hơn dự kiến, đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi tất cả cùng chung một nhận thức rằng việc thành lập cộng đồng Đông Á (EAC) sẽ mang lại lợi ích lâu dài góp phần nâng cao vị thế không chỉ của 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (vốn có tổng sản phẩm quốc nội chiếm tới 16% GDP toàn cầu), mà của cả khu vực Đông Á năng động trong nền chính trị, kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, con đường tiến tới cộng đồng Đông Á còn gập ghềnh bởi xét về nhiều khía cạnh, việc hình thành cộng đồng phải dựa vào sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan, chứ không phải chỉ xuất phát từ ba nước này. Ngay cả ba quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng chưa có sự thống nhất về thành viên của cộng đồng. Trong khi Nhật Bản chủ trương thúc đẩy một EAC “10+6”, gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, 10 nước ASEAN, thậm chí có thể mở rộng kết nạp thêm ấn Độ, Australia và New Zealand, thì Trung Quốc lại có ý tưởng muốn phát triển cộng đồng Đông Á dựa trên cơ cấu ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Chưa kể những ẩn ý liên quan đến việc tranh giành ảnh hưởng ở phía sau những lời đề nghị về cơ cấu thành phần của EAC, thì những lĩnh vực thuộc thứ tự ưu tiên hợp tác mà Trung Quốc và Nhật Bản đưa ra cũng khác nhau. Trung Quốc nhấn mạnh đến lĩnh vực tài chính, năng lượng và môi trường, còn Nhật Bản thì nhắm đến hợp tác trong phòng chống dịch, y tế, năng lượng và môi trường trước khi chuyển sang các lĩnh vực chính trị tương tự những bước đi của Liên minh Châu Âu.

Và cũng sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng với cơ cấu 13 nước hay 16 nước là có thể xây dựng được một cộng đồng. Điều kiện tiên quyết là phải có một quan điểm giống nhau, gắn bó thành một khối và phải có cơ chế chung, mà những điều kiện và tiền đề cần thiết này lại chưa hội đủ tại khu vực vốn có nhiều khác biệt về chính trị và văn hoá này. Trong khi đó, chỉ riêng trong quan hệ giữa 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã và đang tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có sự cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Nhật Bản, những tranh cãi lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Cũng chính vì thế mà tính khả thi của đề xuất xây dựng cộng đồng Đông Á bị hạn chế và dư luận ghi nhận đề xuất này như một thông điệp “hướng đông” của ba nước Đông Bắc Á, trong đó hợp tác với các nước ASEAN là trọng tâm. Có lẽ cũng chính vì thế mà trong tuyên bố chung của cuộc họp cấp cao cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chỉ dừng lại ở ý tứ rằng các quan hệ trong khu vực là chìa khóa trong chính sách đối ngoại của mình và “Ba nước duy trì cam kết phát triển một cộng đồng Đông Á dựa trên nguyên tắc cởi mở, minh bạch như một mục tiêu lâu dài”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên