Cộng đồng quốc tế "dồn lực" tấn công phiến quân Mali
(VOV) - Các nước ráo riết tăng cường chiến dịch quân sự ở đây do lo ngại Mali sẽ biến thành Afghanistan thứ 2.
Hôm 13/1, quân đội Pháp tiếp tục không kích vào những khu vực phiến quân tại Mali đang chiếm giữ. Lúc này, các cường quốc phương Tây và các nước Tây Phi cũng đang tăng tốc triển khai quân đến Mali, nhằm ngăn chặn nguy cơ lực lượng phiến quân bắt tay với những nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al-Qaeda để mở rộng các căn cứ khủng bố tại châu Phi.
Tham mưu trưởng quân đội Mali, ông Dembele cho biết: “Hai máy bay trực thăng của chúng tôi đã có mặt tại thị trấn Konna. Sau đó không quân của Pháp đã đến để hỗ trợ chúng tôi”.
Một quan chức quân đội cao cấp ở thủ đô Bamako của Mali cho biết, trong cuộc tấn công tại thị trấn Konna, khoảng 100 quân nổi loạn bị tiêu diệt. Còn về thiệt hại của quân chính phủ, có 11 lính Mali bị thiệt mạng và 60 người khác bị thương. Trong khi đó, về phía Pháp, 1 máy bay lên thẳng cũng bị quân nổi dậy bắn rơi, khiến 1 phi công thiệt mạng.
Phiến quân Mali (ảnh: Daily Mail) |
Cùng với chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp tại Mali, các cường quốc phương Tây cũng tuyên bố, ủng hộ việc can thiệp quân sự vào quốc gia Tây phi này. Anh tuyên bố sẽ tham gia chiến dịch hậu cần bằng việc cung cấp thêm những máy bay chiến đấu. Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton tuyên bố EU có kế hoạch gửi 200 quân đến chi viện cho cuộc chiến tại Mali.
Trong khi đó, Mỹ cũng tuyên bố đang cân nhắc việc chia sẻ thông tin tình báo về phiến quân Mali với Pháp, cũng như hỗ trợ hậu cần. Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cho phép điều động ngay lập tức binh sĩ châu Phi đến Mali. Burkina Faso và Niger, mỗi nước thông báo đóng góp 500 binh sĩ cho các hoạt động tại Mali bắt đầu từ ngày hôm 14/1.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, các nước ráo riết tăng cường chiến dịch quân sự tại Mali là do lo ngại về một kịch bản Afghanistan thứ hai xảy ra tại châu Phi. Mali từng được coi là một trong những quốc gia ổn định nhất ở Tây Phi, nhưng nay lại là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Libya.
Vì vậy, nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc nổi dậy lật đổ chính phủ Mali từ những người Tuareg có thể sẽ lan sang các nước thuộc khu vực Tây Phi rộng lớn, nơi tập trung cộng đồng người Tuareg. Theo các nhà phân tích, khu vực Tây Phi vốn là điểm yếu của châu Phi từ nhiều năm qua. Khu vực này đã bị biến thành thành trì và hậu cứ của Al-Qaeda tại Bắc Phi, đồng thời cũng là cứ địa của các nhóm buôn lậu và tổ chức tội phạm lớn. Cuộc nội chiến ở Mali sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột trong toàn vùng và gây ra thảm họa lương thực trầm trọng tại đây./.