Cộng đồng quốc tế phản ứng việc Thủ tướng Mali từ chức
(VOV) - Việc bắt giữ Thủ tướng Diarra và sự từ chức của ông đe dọa quá trình ổn định tại Mali.
Trước những diễn biến bất ổn gần đây tại Mali, đặc biệt sau khi Thủ tướng Cheick Modibo Diarra từ chức, cộng đồng quốc đã bày tỏ lo ngại.
Ngày 11/12, đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton đã kêu gọi Mali sớm bổ nhiệm một Thủ tướng mới là người được tất cả các bên chấp nhận và chọn ra một chính phủ liên hiệp.
Thủ tướng Mali Cheick Modibo Diarra (Ảnh: Reuters) |
Trong tuyên bố của mình, bà Catherine Ashton nhấn mạnh rằng, Mali cần một lộ trình nhằm tái lập chính phủ hiến định và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới, với việc quân đội và các lực lượng an ninh sẽ do một chính phủ dân sự điều hành. Theo bà Catherine Ashton, cần một cơ chế và chiến lược để tái thống nhất thông qua đối thoại. Bà cũng đề nghị quân đội không can thiệp vào đời sống chính trị.
Bộ Ngoại giao Pháp đã lên án việc quân đội Mali ép buộc Thủ tướng Cheick Modibo Diarra từ chức, đồng thời kêu gọi quân đội ngừng can thiệp vào đời sống chính trị.
Còn Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle bày tỏ lo ngại: “Tôi rất lo ngại về những diễn biến hiện nay tại Mali. Việc bắt giữ Thủ tướng Diarra và sự từ chức của ông đe dọa quá trình ổn định tại Mali. Một điều chắc chắn rằng, sự giúp đỡ của chúng tôi đối với Mali chỉ dựa trên điều kiện rằng quá trình lập lại trật tự hiến pháp đang được thực hiện một cách đáng tin cậy”
Trong khi đó, trước những bất ổn chính trị, nhiều người dân của Mali mong muốn Liên minh châu Phi, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và cộng đồng quốc tế Pháp nhanh chóng tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại nước này.
Một người dân Mali nói: “Chính phủ của chúng tôi đã không có bất kỳ sức mạnh nào đối với những gì đã xảy ra đối với chúng tôi. Mali là đất nước rộng lớn, tại sao lại để một nhóm nhỏ khống chế phần lớn Mali. Chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế giúp đỡ chúng tôi bình ổn đất nước, đặc biệt ở miền Bắc Mali”.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Diarra đã tuyên bố từ chức chỉ vài giờ sau khi cựu thủ lĩnh đảo chính, Đại úy Amadou Sanogo hạ lệnh cho các binh sĩ bắt giữ ông tại nhà riêng. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của lực lượng quân đội đảo chính trước đây khẳng định việc buộc ông Diarra từ chức "không phải là một cuộc đảo chính mới", đồng thời cho biết Tổng thống Dioncounda Traore sẽ sớm bổ nhiệm Thủ tướng mới.
Theo phía lực lượng quân đội đảo chính trước đây, ông Điara "đã không hoàn thành nhiệm vụ". Được biết, ông Diarra ủng hộ giải pháp quân sự để giành lại miền Bắc.
Mali rơi vào khủng hoảng từ tháng 3 sau một cuộc đảo chính, kéo theo cuộc nổi dậy của phiến quân đòi ly khai khu vực miền Bắc. Phong trào Dân tộc giải phóng Azawad – MNLA đã chiếm đóng miền Bắc từ tháng Tư, và cuộc nổi dậy của lực lượng này được chỉ đạo bởi nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar Dine có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda.
Trong một động thái mới nhất, ngày 11/12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch cử một phái bộ huấn luyện gồm 350 - 400 sĩ quan quân sự đến Mali để giúp chính quyền nước này giành lại khu vực miền Bắc khỏi tay phiến quân Hồi giáo và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ./.