ECOWAS cử 3.300 binh sĩ tới Mali
(VOV) - Một số nước phương Tây và khoảng 2-3 quốc gia phi thành viên ECOWAS cũng đề nghị tham gia kế hoạch quân sự này.
Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong cuộc họp khẩn cấp ngày 11/11 đã nhất trí đưa 3.300 binh sĩ tới Mali nhằm giúp Chính phủ nước này giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Bắc từ tay lực lượng Hồi giáo cực đoan. Kế hoạch quân sự này sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước khi được triển khai.
Cuộc họp của cộng đồng ECOWAS hôm 11/11 (Ảnh: DW) |
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp diễn ra tại thủ đô Abuja của Nigeria, Chủ tịch Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi Tổng thống Cote D'ivoire, Alassane Ouattara cho biết, Nigeria, Niger và Burkina Faso sẽ đóng góp phần lớn số binh sĩ tới Mali. Theo ông Ouattara, một số nước phương Tây và khoảng 2-3 quốc gia phi thành viên ECOWAS cũng đề nghị tham gia kế hoạch quân sự này.
Ông Oarata nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chờ đợi tín hiệu đèn xanh từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho kế hoạch này vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Điều quan trọng mà chúng tôi mong muốn là tất cả các lực lượng tại Mali cùng hợp tác đưa đất nước trở lại thống nhất và hòa bình, tiếp theo đó là tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ sớm nhất có thể tại Mali”.
Các nhà lãnh đạo Tây Phi tham gia cuộc họp cũng nhấn mạnh, cần nhanh chóng triển khai một lực lượng phối hợp để đánh bật lực lượng nổi dậy Hồi giáo khỏi miền Bắc Mali cũng như để tránh một "hậu quả gây tổn thất lớn" không chỉ đối với Mali, mà còn đối với các nước ở châu lục Đen nói chung. Các nhà lãnh đạo ECOWAS cho rằng đối thoại vẫn là giải pháp tối ưu để giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia từng là một trong những nền dân chủ ổn định nhất Tây Phi này.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Kadre Desire Ouedraogo, các nước trong khu vực cần theo đuổi một giải pháp kết hợp cả đối thoại hòa bình và can thiệp quân sự cho vấn đề Mali: “Các giải pháp đối thoại là lựa chọn ưu tiên cho tình hình khủng hoảng chính trị tại Mali. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn gia tăng thì sự can thiệp quân sự là cần thiết, nhằm ngăn chặn các hoạt động khủng bố xuyên biên giới đe đọa hòa bình và an ninh khu vực và thế giới”.
Chiến lược quân sự của ECOWAS cho tình hình Mali do các chuyên gia và chỉ huy quân sự của các nước trong khu vực soạn thảo, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi, Liên Hợp Quốc.
Trước đó một ngày, cũng tại thủ đô Abuja, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng các nước thuộc ECOWAS đã nhóm họp để thảo luận chi tiết kế hoạch này.
Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren đã tạo cơ hội cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad” và áp đặt luật Hồi giáo Sharia. Tuy nhiên, lực lượng Tuareg sau đó đã bị các tay súng Hồi giáo lật đổ.
Hiện khu vực miền Bắc Mali đang đặt dưới sự kiểm soát của 2 nhóm nổi dậy là “Ansar Dine” và “Phong trào vì thống nhất và Hồi giáo Jihad Tây Phi” (Mujao), với sự hậu thuẫn của al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi./.