Công tố viên Mỹ yêu cầu tạm hoãn truy tố hình sự đối với ông Trump
VOV.VN - Ngày 13/11, các công tố viên Mỹ đã yêu cầu tòa phúc thẩm liên bang tạm dừng quy trình truy tố hình sự đối với cáo buộc Tổng thống đắc cử Donald Trump xử lý trái phép các tài liệu mật. Yêu cầu này được đưa ra sau khi ông Trump vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua và nhiều khả năng quyền miễn trừ Tổng thống sẽ được áp dụng trong vụ kiện này.
Trong một báo cáo ngắn được nộp lên tòa án, Luật sư đặc biệt Jack Smith đã yêu cầu Tòa Phúc thẩm Mỹ tại Quận 11 "hoãn kháng cáo này lại" để các công tố viên có thời gian đánh giá tác động của việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng đối với vụ án.
Tổng thống đắc cử Donald Trump bị cáo buộc tàng trữ trái phép các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở vào năm 2021. Thẩm phán liên bang Aileen Cannon ở bang Florida hồi tháng 7 phán quyết rằng ông Smith đã được bổ nhiệm "không đúng luật" và không có thẩm quyền đưa ra cáo trạng, dẫn đến bản kháng cáo của ông Smith sau đó với mục đích đảo ngược phán quyết này.
Ông Jack Smith được Tổng chưởng lý Merrick Garland bổ nhiệm vào vị trí Công tố viên đặc biệt vào tháng 11/2022 để điều tra nỗ lực của ông Trump và các đồng minh nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 cũng như cáo buộc Tổng thống đắc cử đang sở hữu trái phép các tài liệu tuyệt mật sau khi rời nhiệm sở.
Cả hai vụ án đều trở nên hỗn loạn sau quyết định của Tòa án Tối cao vào đầu mùa hè này trao cho tổng thống quyền miễn trừ một phần khỏi việc bị truy tố.
Hãng tin CNN và tờ The New York Times ngày 13/11 dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ rằng công tố viên đặc biệt Jack Smith có ý định từ chức cùng các thành viên khác trong nhóm điều tra trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Ông Trump trước đó tuyên bố sẽ cách chức ông Smith "trong 2 giây" sau khi nhậm chức.
Các công tố viên của ông Smith đã yêu cầu có thêm thời gian cân nhắc về cách tiến hành vụ án đến trước ngày 2/12, đồng thời đảm bảo được một lệnh tạm hoãn tương tự đối với cáo buộc ông Trump cố gắng lật ngược kết quả bỏ phiếu năm 2020.