COP 28 thúc đẩy tầm nhìn chung về một tương lai carbon thấp
VOV.VN - Các đại biểu của gần 200 quốc gia sẽ gặp nhau vào ngày mai để tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) tại Dubai, UAE, bàn về nhiều vấn đề như carbon thấp, nhiên liệu hóa thạch.
Sự kiện COP 28 kéo dài gần 2 tuần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tầm nhìn chung về một tương lai carbon thấp và lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch.
COP 28, với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua một năm kỷ lục về nhiệt độ và những cam kết về khí hậu hiện nay là không đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu. Trong số những quyết định quan trọng phải đưa ra ở Dubai là liệu các quốc gia có sẵn sàng loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch và thay thế chúng bằng các nguồn nhiên liệu tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió hay không.
Trong sự phát triển của nhân loại, vai trò của năng lượng hóa thạch nói chung và than đá nói riêng rất quan trọng. Than đá, dầu mỏ, khí đốt là nguồn cung năng lượng chủ yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên năng lượng hóa thạch cũng bị xem là "thủ phạm" chính tàn phá môi trường và gây biến đổi khí hậu. Trong một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ liên quan vấn đề này, Cơ quan năng lượng quốc tế hồi tuần này đã đưa ra quan điểm mạnh mẽ khi hối thúc ngành công nghiệp nhiên liệu hoá thạch phải quyết định giữa việc làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng khí hậu hay chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Quan điểm không nhận được sự đồng tình của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo tổ chức này, mọi quyết định đều phải tính đến những vấn đề như an ninh năng lượng, tiếp cận năng lượng hay khả năng chi trả năng lượng.
Phát biểu trước thềm sự kiện, Chủ tịch COP28 Sultan al Jeber thừa nhận dù khó khăn, việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch là "không thể tránh khỏi": "Khi chúng ta chuẩn bị đăng cai COP28, tôi tự hỏi liệu thế giới có thể cùng nhau giải quyết vấn đề cấp bách của thời đại này hay không, liệu thế giới có thể cắt giảm một nửa lượng khí thải trong 7 năm tới hay không. Câu trả lời của tôi là - có. Chúng ta cần giảm dần lượng khí thải từ tất cả các lĩnh vực bao gồm giao thông, nông nghiệp, công nghiệp nặng và tất nhiên là cả nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đầu tư vào công nghệ để tăng cường tất cả các giải pháp thay thế khả thi".
Theo kế hoạch, COP28 dự kiến sẽ công bố bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stock Take - GST) đầu tiên để đánh giá toàn diện tiến trình thực hiện Thoả thuận Paris nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một công cụ quan trọng, góp phần hỗ trợ thế giới điều chỉnh nỗ lực hành động vì khí hậu, bao gồm các biện pháp cần được thực hiện để thu hẹp các khoảng trống trong các nỗ lực hiện nay.
Theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgeva, thế giới cần hành động quyết liệt nếu muốn quản lý tình trạng nóng lên toàn cầu: “Điều quan trọng nhất tại COP28 là phải làm rõ vấn đề rằng con đường chúng ta đang đi là không khả thi để từ đó tìm ra cách nhằm thực hiện mục tiêu tham vọng giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để làm được chúng ta phải giảm lượng khí thải từ 25 đến 50% vào năm 2030. Vì vậy, theo tôi, ưu tiên hàng đầu của COP28 là phải giúp nhận ra rằng, thế giới phải thay đổi các mô hình kinh doanh đã lỗi thời và gây nguy hiểm cho môi trường.”
COP28 năm nay được dự báo sẽ là một trong những kỳ họp căng thẳng nhất, nhưng cũng là cơ hội để thế giới cùng hợp tác, thảo luận để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Trước hội nghị, Liên minh châu Âu, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã nhất trí tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ thoả thuận này. Nhiều nước cũng hi vọng thỏa thuận khí hậu đạt được mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo đà cho các cuộc đàm phán. Hai trong số các quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã đồng ý tăng cường năng lượng tái tạo và “đẩy nhanh việc thay thế than, dầu và khí đốt”.