Covid-19 vẫn tăng chóng mặt, giới hạn khẩn cấp ở Indonesia có hiệu quả?
VOV.VN - Mặc dù đã thực hiện các biện pháp giới hạn khẩn cấp được 1 tuần, song số ca mắc Covid-19 tại Indonesia mỗi ngày vẫn tăng ở mức trên 38.000 trường hợp trong vài ngày qua.
Một số chuyên gia Indonesiaa nhận định, chính sách giới hạn khẩn cấp của chính phủ chưa thật sự hiệu quả để giảm sự gia tăng các trường hợp mắc biến thể Delta.
Theo ghi nhận của phóng viên Đài TNVN tại Indonesia, hiện nay, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để giới hạn sự di động của người dân như chặn các trục đường chính, đường cao tốc, đóng cửa trung tâm thương mại, chợ, khu vui chơi giải trí hay các cơ sở công cộng cũng như 100% nhân viên các ngành không thiết yếu làm việc tại nhà. Tuy nhiên, mật độ người dân tham gia giao thông và di chuyển bên ngoài vẫn rất đông. Một số làn đường ở thủ đô Jakarta bị tắc nghẽn do lực lượng an ninh phải kiểm tra giấy phép di chuyển và chuyển hướng giao thông tránh các trục đường cấm. Các cơ sở y tế tại thủ đô Jakarta và nhiều vùng trên đảo Java đã không thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, xe cứu thương xếp hàng dài để chờ vào bệnh viện và hàng trăm người chết tại nhà khi tự cách ly do thiếu ô xy trong vòng một tuần.
Nhà dịch tễ học từ Đại học Airlangga, bà Laura Nafika Yamani cho rằng, những điều này cho thấy sự di động của người dân vẫn còn cao, tính kỷ luật thấp và dường như giới hạn khẩn cấp của chính phủ không thật sự hiệu quả. Ông cho rằng khi đưa ra chính sách này, chính phủ đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa kinh tế và y tế. Mặc dù tiết kiệm hơn, tạo dư địa cho nền kinh tế tiếp tục vận hành song chính sách này thậm chí còn không hiệu quả bằng giới hạn xã hội quy mô lớn được thực hiện vào năm 2020.
Chuyên gia chính sách cộng đồng Indonesia, ông Achmad Nur Hidayat cho rằng, giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp ở đảo Java và Bali là không hiệu quả trong việc khắc phục khủng hoảng. Dấu hiệu thất bại được nhìn thấy khi không có khác biệt về tình hình và điều kiện sau 1 tuần thực hiện chính sách khẩn cấp. Một công ty không thiết yếu đã “lách luật” bằng cách yêu cầu nhân viên ở lại làm việc từ văn phòng (WFO) nhưng lại không có cơ chế quản lý nhân viên. Bên cạnh đó, người dân mắc Covid-19 đã không thể đến bệnh viện hoặc cơ sở cách ly mà vẫn di chuyển ở trong cộng đồng khiến cho việc truy vết và kiểm soát đại dịch trở nên khó khăn. Chuyên gia chính sách cộng đồng Achmad Nur Hidayat khẳng định, Indonesia cần phải phong tỏa càng sớm càng tốt.
Không chỉ có các chuyên gia, các nhà chính trị gia nước này cũng có ý kiến tương tự. Phó Chủ tịch Ủy ban II của Hạ viện Indonesia, ông Luqman Hakim cho rằng, khi đưa ra giới hạn khẩn cấp, chính phủ cần ngay lập tức giải thích về các khoản trợ cấp hoặc gói kích thích dành cho giới doanh nghiệp. Nếu không, các khu vực công nghiệp, công ty vừa và nhỏ sẽ không tuân thủ giới hạn khẩn cấp. Người lao động sẽ trở thành nạn nhân của đại dịch cả về sức khỏe và kinh tế. Đồng nghĩa với việc các chính sách của chính phủ không thực sự giải quyết được vấn đề.
Tuy vậy, chính phủ Indonesia vẫn không lựa chọn phong tỏa. Ngày hôm qua (9/7), Indonesia đã mở rộng thêm 15 khu vực ngoài hai hòn đảo Java và Bali để tiến hành giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp trước sự gia tăng các ca mắc Covid-19 được cho là do biến thể Delta gây ra. Đồng thời, Indonesia cũng tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. 6 tháng sau khi chiến dịch được phát động, đã có 15 triệu dân Indonesia hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine Covid-19./.