Croatia gia nhập EU: Thành viên mới, thách thức cũ

(VOV) -Bài toán khó nhất đối với Croatia là phải nâng cao khả năng cạnh tranh trong một thị trường 500 triệu dân.

22 năm sau khi tuyên bố độc lập, tách khỏi Nam Tư cũ, kết thúc những cuộc chiến đẫm máu ở Balkan, việc gia nhập EU là một trang mới trong lịch sử Croatia. Chính vì thế, Thủ tướng nước này Zoran Milanovitch đã nhấn mạnh: “Dù người ta có nói về chúng tôi thế nào, thì các bạn cũng cần phải biết chúng tôi là một quốc gia của những con người hiểu biết và thực tế, hiểu về chính họ và về quốc gia của họ, vai trò của đất nước này trong châu Âu và trên thế giới”.


Thách thức hiển hiện 

Thông thường ai cũng nghĩ rằng gia nhập vào Liên minh châu Âu sẽ mang lại nhiều lợi ích song thực tế không hẳn như vậy. Về lý thuyết, quốc gia thành viên mới này sẽ được hưởng một khoản hỗ trợ là 1 tỷ euro mỗi năm, từ nay đến năm 2020. Nhưng thủ tục rất phức tạp, đòi hỏi Croatia phải có một chương trình quốc gia và lên được những dự án phát triển thuyết phục được các nhà lãnh đạo châu Âu. Để làm được như vậy đòi hỏi nhiều thời gian, lao động, thậm chí phải mời đến các chuyên gia nước ngoài…

Bên cạnh lợi ích như vậy, thách thức đối với Croatia là khá lớn. Nước này sẽ phải tự xoay xở trong thị trường chung khổng lồ có đến 500 triệu người. Giới phân tích lo lắng nhất là khả năng cạnh tranh của Croatia. Có đến 99 phần trăm các công ty ở Croatia là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất dễ đổ vỡ khi bước vào một sân chơi khắc nghiệt như trong Liên minh châu Âu.

Ví dụ trong ngành chế biến nông sản, Croatia là một quốc gia xuất khẩu nhiều, nhưng đa số xuất sang các quốc gia láng giềng và được hưởng nhiều ưu đãi theo Hiệp định tự do thương mại Trung Âu (CEFTA), một dạng thị trường chung của các quốc gia ở phía nam châu Âu không nằm trong EU. Nhưng bắt đầu từ ngày 1/7/2013, những ưu đãi đó sẽ chấm dứt. Croatia sẽ phải nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang thương lượng với các quốc gia láng giềng của Croatia để tránh một sự thay đổi quá đột ngột trong trao đổi thương mại giữa Croatia với các quốc gia đó. Tuy nhiên, những điều khoản thương lượng này nếu có đạt được cũng sẽ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian có hạn và trong giai đoạn "quá độ" đó, nếu Croatia không cố gắng tự vươn lên, họ sẽ không thể tận dụng được những cơ hội mà sẽ chỉ lún sâu vào những khó khăn.

Không thuận khi gia nhập một “châu Âu đang khủng hoảng”

Ở vào thời điểm u ám hiện nay thì đa số người dân các quốc gia châu Âu không mấy hào hứng với chuyện có thêm thành viên nữa vào ngôi nhà chung. Bởi trong bối cảnh nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng, thất nghiệp gia tăng, và xảy ra một số bê bối về kinh tế, về các sản phẩm xuất khẩu… liên quan đến các quốc gia thành viên mới, thì việc kết nạp thêm một quốc gia có một nền kinh tế không có gì sáng sủa nếu không nói là khá tệ như Croatia hiển nhiên không tạo lạc quan và hứng thú cho người dân châu Âu. Với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đã vượt quá ngưỡng 50%, nền kinh tế Croatia bị đánh giá là nằm trong nhóm yếu kém nhất trong liên minh, chỉ nhỉnh hơn 2 thành viên mới gia nhập năm 2007 là Bungari và Rumani. Rõ ràng thực tế này khiến ngay cả các chuyên gia kinh tế châu Âu cũng phải lo lắng về tương lai của EU – vốn chưa qua được khủng hoảng kinh tế trong nhiều năm qua.

Bên cạnh những lo lắng chung, còn có một số lục đục về chính trị - ngoại giao giữa Croatia - quốc gia thuộc Liên minh Nam Tư cũ - với một vài quốc gia thành viên EU, trong đó đáng lo ngại nhất là với một trụ cột của khối là nước Đức. Hiện nước Đức vẫn không hài lòng với việc Croatia từ chối dẫn độ một lãnh đạo tình báo dưới chính quyền Nam Tư cũ bị tòa án ở Đức kết tội dính líu đến cái chết của một công dân Croatia trên lãnh thổ Đức vào năm 1983.

Bài toán khó về sức cạnh tranh          

Quay trở lại câu hỏi về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Croatia, không mấy người có thể lạc quan. Nhiều nhà chính trị và chuyên gia phân tích châu Âu cho rằng không có mấy khác biệt giữa Croatia với những nền kinh tế đang bị khủng hoảng nặng nề tại châu Âu hiện nay là Hy Lạp, Italia và Bồ Đào Nha. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hầu như bằng 0 từ năm 2009 đến nay. Mặc dù chính phủ Croatia đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu gia nhập EU, song nhiều nhà đầu tư châu Âu  vẫn lo ngại và than phiền về thủ tục hành chính phức tạp, quan liêu, tham nhũng, quy trình pháp lý chậm chạp có khi kéo dài cả chục năm cho một vụ kiện…

Lợi ích chính trị đối với EU trong tiến trình mở rộng thành viên 

Theo như lời khẳng định của ông Paul Vandoren, trưởng phái đoàn EU tại Croatia, thì lợi ích kinh tế dĩ nhiên không thể lơ là, song lợi ích về chính trị rất quan trọng đối với Liên minh châu Âu, khiến khối này không bỏ rơi tiến trình mở rộng. Việc đón nhận Croatia là một bước đi quan trọng để châu Âu góp phần vào ổn định chính trị ở vùng Balkan và ở toàn châu lục nói chung. Tư duy của các nhà lãnh đạo châu Âu là một khi các quốc gia từng đối đầu nhau như Croatia, Serbia hay Montenegro đều trở thành thành viên ngôi nhà chung châu Âu thì họ sẽ phải bắt tay nhau.

Báo chí châu Âu đã khai thác hai hình ảnh biểu tượng là khi tấm biển “Khai báo hải quan” bị gỡ bỏ khỏi khu vực biên giới giữa Croatia với Slovenia – quốc gia thuộc Nam tư cũ đã gia nhập EU từ năm 2004; và đồng thời một tấm biển mang biểu trưng Liên minh châu Âu được đặt lên tại khu vực biên giới giữa Croatia với Serbia. Các cuộc thương lượng về tiến trình gia nhập của Serbia cũng không phải vô cớ được tuyên bố sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian từ nay và muộn nhất là đến tháng 1 sang năm. Hai nước thuộc Nam Tư cũ là Montenegro và Macedonia cũng nằm trong danh sách chờ đợi và một số quốc gia khác là Albanie, Bosnia-Herzegovina hay Kosovo cũng là những ứng cử viên tiềm năng.

Dĩ nhiên, việc kết nạp thêm những nền kinh tế không mấy phát triển sẽ tạo gánh nặng cho EU. Các khoản hỗ trợ cho thành viên mới sẽ càng làm khó khăn cho ngân sách chung vốn ngày càng hạn hẹp. Bên cạnh đó, cũng lo ngại đến khả năng đoàn kết và quản lý nội bộ trong khối, nhất là khi thời gian gần đây xảy ra một số bê bối về gian lận tài chính, hàng hóa chất lượng kém từ các quốc gia mới kém phát triển vào thị trường chung, điển hình là vụ thịt ngựa không đảm bảo được dán mác là thịt bò... Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải cân nhắc để đảm bảo lợi ích về kinh tế, về quản lý chung cân bằng với những lợi ích chính trị mà họ hướng tới trong tiến trình mở rộng thành viên./.

Tiến trình mở rộng tới 28 thành viên của Liên minh châu Âu

Năm 1957 : Tây Đức (Đông Đức gia nhập EU ngày 3/10/1990, khi thống nhất nước Đức) ; Bỉ, Pháp, Italia, Luxembourg, Hà Lan.

Năm 1973 :  Đan Mạch, Ai-len, Anh.

Năm 1981 : Hy Lạp

Năm 1986 : Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Năm 1995 : Áo, Phần Lan, Thụy Điển.

Năm 2004: Đảo Síp, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Cộng

Hòa Czech, Slovakia, Slovenia. 

Năm 2007: Bulgaria, Romania.

Năm 2013: Croatia.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Croatia sẽ gia nhập Liên minh châu Âu
Croatia sẽ gia nhập Liên minh châu Âu

(VOV) - Croatia có thể trở thành thành viên thứ 28 của EU từ 1/7 tới.

Croatia sẽ gia nhập Liên minh châu Âu

Croatia sẽ gia nhập Liên minh châu Âu

(VOV) - Croatia có thể trở thành thành viên thứ 28 của EU từ 1/7 tới.

Croatia chính thức trở thành thành viên EU
Croatia chính thức trở thành thành viên EU

(VOV) - Tổng thống Croatia mô tả, đây là một sự kiện lịch sử đối với đất nước Nam Âu này.

Croatia chính thức trở thành thành viên EU

Croatia chính thức trở thành thành viên EU

(VOV) - Tổng thống Croatia mô tả, đây là một sự kiện lịch sử đối với đất nước Nam Âu này.