Cuộc bầu cử Tổng thống đầy khó khăn của Iran bắt đầu
(VOV) - Gần 51 triệu cử tri Iran đủ điều kiện đi bỏ phiếu đã sẵn sàng cho việc bỏ phiếu hôm nay (14/6).
Ngày 14/6, hàng triệu cử tri Iran sẽ đi bỏ phiếu bầu cử vị Tổng thống lần thứ 11. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Iran đang đứng trước bộn bề khó khăn do các đòn trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của Mỹ và các nước phương Tây cũng như áp lực quốc tế gia tăng đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Trong đó, ông Saeed Jalili, 48 tuổi, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, và ông Hassan Rowhani, 65 tuổi, một giáo sĩ cấp cao, thành viên của Hội đồng Điều hợp Iran, từng giữ chức thư ký của Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao trong 16 năm và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran từ năm 2003 đến 2005 được coi là hai ứng cử viên sáng giá trong số các ứng cử viên chạy đua vào chức vụ Tổng thống. Theo các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, cuộc bầu cử Tổng thống Iran năm nay nhiều khả năng sẽ phải bỏ phiếu lần hai do không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu bầu để có thể giành chiến thắng ngay từ vòng bỏ phiếu lần 1.
Thách thức lớn nhất đối với các ứng cử viên một khi trở thành Tổng thống mới của Iran là phải giải quyết được hai bài toán khó là kinh tế và chính sách đối ngoại của quốc gia Hồi giáo này, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Iran hiện đang phải vật lộn với khó khăn chồng chất mà các chuyên gia cho rằng không chỉ bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi mà còn do sự quản lý yếu kém của chính phủ.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng đầu tiên của năm từ ngày 21/3 đến ngày 20/4 tính theo lịch Iran đã lên tới hơn 29%; sản lượng xuất khẩu dầu năm 2012 giảm 50%, gây thiệt hại hàng tỷ USD và khiến đồng nội tệ giảm giá. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 14% với hơn 1/4 số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới đây đánh giá rằng, tăng trưởng kinh tế của Iran sẽ giảm gần 1,5% trong tài khóa 2013.
Đây chính là lý do tại sao nhiều ứng cử viên Iran đều cam kết sẽ giải quyết bài toán kinh tế của đất nước một khi trở thành Tổng thống mới của Iran. Phát biểu trước báo giới, ông Rowhani nói: “Chúng ta cần phải từ bỏ những tư tưởng cực đoan. Điều này có liên hệ mật thiết tới các chính sách đối ngoại. Chúng ta nên duy trì giữa lợi ích và an ninh quốc gia để từ đo mang lại cơ hội cho tất cả mọi người đều được tham gia vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước”.
Còn ứng cử viên Mohammad Bagher Ghalibaf, 52 tuổi, Thị trưởng Tehran nhiệm kỳ 2 nói rằng: “Khi chúng ta giải quyết thành công các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt thì tất cả mọi người đều sẽ được tham gia bình đẳng vào đời sống kinh tế và chính trị của đất nước”.
Do đó, theo giới phân tích và dư luận Iran, điều mà Iran cần hiện nay là một nhà lãnh đạo có uy tín, kiên định và phải được sự ủng hộ rộng rãi của người dân để có thể bảo vệ quyền lợi của đất nước, đồng thời xây dựng một quá trình tương tác hợp lý với các nước trong khu vực cũng như với các nước phương Tây và Mỹ. Một số người dân Iran nói: “Điều mà người dân chúng tôi cần hiện nay là một nhà lãnh đạo có tư tưởng trung hòa, người hiểu rõ các vấn đề trong nước và quốc tế và cách thức để Iran có thể khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế”.
“Chúng tôi hy vọng Tổng thống mới của Iran vừa có thể thúc đẩy được sự phát triển kinh tế vừa có thể bảo vệ được quyền lợi của đất nước mà không phải nhượng bộ trước các nước phương Tây”.
Các điểm bỏ phiếu tại Iran mở cửa vào lúc 10h30’ sáng 14/6 (giờ Hà Nội) và sẽ kéo dài trong 10 tiếng hoặc hơn nếu phát sinh vấn đề./.