“Cuộc chiến bóng đêm” Iran – Israel sau vụ tàu chở dầu bị tấn công trên biển Arab
VOV.VN - Vụ tàu chở dầu của Israel bị tấn công có nguy cơ làm leo thang hơn nữa cuộc cạnh tranh ngầm âm ỉ giữa Israel và Iran ở vùng biển Arab vốn sóng gió nhiều năm qua.
Iran mới đây tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi mối đe dọa nhằm vào an ninh trong bối cảnh Israel, cùng với Mỹ và Anh cáo buộc Tehran phải trách nhiệm về vụ tàu chở dầu của Israel bị tấn công trên biển Arab, khiến 2 thủy thủ thiệt mạng, trong đó có 1 người Anh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không do dự trong việc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia và sẽ nhanh chóng đáp trả mạnh mẽ mọi mối đe dọa. Ông Khatibzadeh đồng thời lấy làm tiếc về những cáo buộc “vô căn cứ” mà Israel, Mỹ và Anh đưa ra nhằm vào nước này.
“Những cáo buộc như thế này không hề mới. Như Iran đã nhiều lần tuyên bố và tôi xin một lần nữa nhắc lại rằng, chính Israel phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra tại khu vực hiện nay”.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã tuyên bố nắm trong tay bằng chứng về sự liên quan của Iran, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, đây là một vụ tấn công có chủ đích của Iran và là sự vi phạm rõ ràng các quy định quốc tế. Anh, Israel, cùng với Mỹ đang cân nhắc những biện pháp đáp trả.
“Iran nên đối mặt với hậu quả của những gì họ đã làm. Đây rõ ràng là một cuộc tấn công không thể chấp nhận và thái quá nhằm vào vận tải biển thương mại. Điều quan trọng nhất là Iran và mọi quốc gia khác phải tôn trọng quyền tự do hàng hải và Anh sẽ tiếp tục nhấn mạnh điều này”.
Đây là vụ tấn công tàu chở dầu gây chết người đầu tiên trên biển Arab trong 2 năm qua. Theo các chuyên gia của Dryad Global, cái chết của 2 thủy thủ đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng trong xung đột tiềm ẩn giữa Iran và Israel và chắc chắn sẽ dẫn đến những đòn trả đũa ngoại giao mạnh mẽ.
Tàu chở dầu Mercer Street, do hãng vận tải biển Zodiac Maritime của tỷ phú người Israel Eyal Ofer quản lý, đã bị tấn công khi đang trong vùng biển phía Bắc Ấn Độ Dương. Trên thực tế, những vụ tấn công như thế này đã trở thành một trong nhiều khía cạnh của cuộc xung đột giữa Israel và Iran và điều nguy hiểm là nó đang có dấu hiệu trở nên thường xuyên hơn.
Dù cho đến nay, vẫn chưa ngã ngũ bên nào đã khơi mào cuộc xung đột ngầm trên biển, song kể từ năm 2019, trên vùng biển khu vực này liên tục xuất hiện loạt vụ tấn công bí ẩn nhằm vào các tàu thuyền. Theo tính toán của tờ New York Times, từ năm 2019, ít nhất 10 tàu của Iran đã bị tấn công, trong khi kể từ đầu năm nay, 5 tàu của Israel đã bị tấn công.
Giới truyền thông cũng bắt đầu gọi đây là “cuộc chiến bóng đêm trên biển” giữa hai cường quốc khu vực, mà tại đó cả hai bên đều cố gắng để không trở nên yếu thế, nhưng cũng thận trọng để không leo thang thành một cuộc chiến tranh mở, với những hậu quả mang quy mô khu vực. Đây cũng là lý do mà tới nay cuộc xung đột giữa Iran và Israel mới chỉ gói gọn trong những đòn ăn miếng trả miếng của hai bên.
Tuy nhiên, vụ tàu MT Mercer bị tấn công khiến thủy thủ người Anh thiệt mạng đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Mỹ và Anh chắc chắn sẽ không ngồi yên, trong khi đây cũng sẽ là phép thử đầu tiên đối với tân Tổng thống Iran Ebrahim Raïssi, người chính thức nhậm chức vào hôm nay (3/8)./.