Cuộc chiến chống Covid-19: Chặng đường phía trước còn dài
VOV.VN - Mặc dù ngày càng nhiều người hy vọng rằng, sẽ sớm có một loại vaccine hiệu quả giúp thế giới kiểm soát đại dịch Covid-19, song thực tế cho thấy chặng đường phía trước vẫn sẽ còn dài.
Theo số liệu cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc Covid-19 ghi nhận theo ngày trên toàn cầu đã lập mức kỷ lục mới vào cuối tuần qua. Mặc dù ngày càng nhiều người hy vọng rằng, sẽ sớm có một loại vaccine hiệu quả giúp thế giới kiểm soát đại dịch, song thực tế cho thấy chặng đường trước mắt vẫn sẽ còn dài, đòi hỏi mỗi người dân và mỗi quốc gia cần phải luôn cảnh giác và có các biện pháp phòng tránh, ứng phó bền vững.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng nay, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 52.804.194 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 1.324.000 ca tử vong. Những "con số biết nói" cho thấy rõ tốc độ lây lan đến chóng mặt số ca mắc Covid-19 mới trên toàn cầu và Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, tiếp đến là Ấn Độ và đứng thứ 3 là Brazil.
Nỗi ám ảnh mang tên Covid-19 vẫn bủa vây nước Mỹ, khi nước này vừa trải qua một tuần lễ nặng trĩu hoang mang, lo lắng với trung bình mỗi ngày đều có thêm khoảng 150 nghìn ca mắc Covid-19, tăng 72% so với chỉ 2 tuần trước đó. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần, số ca mắc mới ở Mỹ đã 6 lần cán những mốc "cao nhất từ trước tới nay", khiến nước Mỹ bất đắc dĩ dẫn ở vị trí dẫn đầu mà không hề mong muốn- là nước có số ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 cao nhất trên thế giới. Đứng sau Mỹ, nhưng Ấn Độ lại là vùng dịch lớn nhất tại châu Á với hơn 8,8 triệu ca bệnh và 130.000 ca tử vong.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng diễn biến hết sức lo ngại tại châu Âu, nơi đang được xem là tâm dịch của thế giới, với hơn 14,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 332.000ca tử vong. Đứng trước đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai, các quốc gia châu Âu như Pháp, Nga, Italy, Áo… đồng loạt thắt chặt những các hạn chế cũng như các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Mỹ Latin và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với hơn 420.000 ca tử vong trong hơn 11,9 triệu ca mắc. Hàng loạt quốc gia tại các phần còn lại của thế giới như Trung Đông, châu Phi cũng liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới tăng cao, bất chấp đã áp đặt nhiều biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Trước tình thế cấp bách như hiện nay, các cuộc chạy đua nước rút để sớm tìm ra loại vaccine Covid-19 hiệu quả giúp kiểm soát dịch bệnh tiếp tục được đẩy mạnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 165 "ứng cử viên" vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển. Hàng loạt loại vaccine tiềm năng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và một số loại đang trong giai đoạn xin giấy phép. Nhiều nước cũng rục rịch chuẩn bị các kịch bản tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà ngay đầu năm 2021 tới. Tuần qua, thông tin tích cực về kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) được cho là có hiệu quả lên đến 90%, đã mang lại thêm nhiều hy vọng và động lực cho giới khoa học và nhân loại trong cuộc chiến tìm vaccine chặn đứng đại dịch toàn cầu.
Dù vậy, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần qua vẫn cảnh báo thế giới không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, vaccine sẽ là công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch và chúng ta đang được khích lệ bởi kết quả sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng được công bố trong tuần này. Chưa bao giờ trong lịch sử, việc nghiên cứu vaccine lại tiến triển nhanh như vậy. Nhưng cần phải đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ những thành tựu khoa học này. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Thế giới không thể “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” mà quên đi nhiều công cụ quan trọng khác"./.