Cuộc chiến chống IS tàn bạo: Mỹ và đồng minh chưa hợp tác hiệu quả
VOV.VN - Trước sự tàn bạo, vô nhân tính của IS, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đang cần hơn bao giờ hết quyết tâm và hợp tác chặt chẽ để chống khủng bố.
Hàng loạt các vụ thảm sát dã man của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria không chỉ là nỗi sợ hãi tột cùng của người dân mà còn khiến cộng đồng thế giới vô cùng phẫn nộ. Trước sự tàn bạo, vô nhân tính của IS, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đang cần hơn bao giờ hết quyết tâm và hợp tác chặt chẽ để chống khủng bố.
Theo hãng tin AFP của Pháp, Lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 3/11 đã xử tử thêm ít nhất 36 người nữa sau trong chiến dịch hành quyết nhằm vào một bộ lạc người Hồi giáo dòng Sunni Albu Nimr. Giới chức địa phương lo ngại, số người bị hành quyết sẽ tiếp tục tăng khi hiện chúng còn giam giữ hơn 1.000 người, sau khi chiếm đoạt được ngôi làng ở thung lũng Euphrates, phía Tây Thủ đô Baghdad.
Nhà chức trách Iraq cho biết, kể từ giữa tuần trước, hơn 300 người đã bị IS sát hại vô cùng dã man. Trước đó, IS tuyên bố sẽ xử tử hơn 50 người mỗi ngày để trả thù các cuộc không kích của liên quân quốc tế và sự tấn công của quân đội Iraq. Song song với hàng loạt vụ thảm sát tàn bạo, hành động vô nhân tính, tổ chức khủng bố này đang ráo riết chiêu dụ thêm nhiều công dân trên khắp thế giới và thu hút thêm nguồn lực tài chính để phục vụ cho những mưu đồ của mình.
Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, làn sóng các phần tử cực đoan từ hơn 80 quốc gia đang kéo về Syria- Iraq tham chiến với số lượng lớn chưa từng thấy với khoảng 15.000 chiến binh nước ngoài. Không chỉ vậy, Tổ chức này đang kiếm tìm sự liên kết với tổ chức khủng bố khác ở châu Âu để mở rộng chiếc vòi bạch tuộc và chân rết của chúng.
Đã trót ở thế “cưỡi trên lưng hổ”, Mỹ và đồng minh lúc này không còn cách nào khác là phải tiếp tục chiến đấu. Vì thế, chưa bao giờ sự hợp tác giữa Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố lại trở nên cấp thiết như lúc này.
Sau khi xảy ra hai vụ tấn công khủng bố, trong đó thủ phạm liên quan đến tổ chức Hồi giáo cực đoan, chính phủ Canada lần đầu tiên chính thức tham gia chiến dịch oanh kích ở Iraq nhằm đẩy nhanh nỗ lực tiêu diệt IS. Cũng như Canada, nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Nga, Singapore…đều đã thừa nhận khủng bố là mối đe dọa thực sự nghiêm trọng tới an ninh, lợi ích quốc gia khi đang trong “tầm ngắm" của chúng.
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Canada, hai bên cam kết tiếp tục hợp lực để đối với chủ nghĩa khủng bố. Thủ tướng Canada cho rằng, bên cạnh chiến dịch không kích của liên quân quốc tế, trách nhiệm cuối cùng để ngăn chặn IS thuộc về chính phủ và lực lượng an ninh các nước sở tại
“Một phần trong đó chính là trách nhiệm và khả năng của chính quyền Baghdad. Bởi IS đang chiếm giữ một phần lớn lãnh thổ và đang trực tiếp đe dọa cuộc sống của người dân. Vì thế, bản thân người dân Iraq cũng nên hiểu rõ trách nhiệm đó. Tôi biết rằng, đó là những điều mà Iraq cũng đang thực hiện. Chúng tôi tin rằng, với sự trợ giúp của quốc tế, chiến dịch chống IS sẽ mang lại hiệu quả”, Thủ tướng Canada nói.
Thừa nhận dấn thân vào cuộc chiến này sẽ là vô cùng phức tạp tốn kém, song Pháp vẫn quyết tâm sát cánh cùng liên minh quốc tế chống lại kẻ thù chung IS. Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi mở rộng quy mô các chiến dịch không kích nhằm vào IS: "Giống như Canada, Pháp coi IS là một mối đe dọa hiện hữu khi lực lượng này đang cố gắng lôi kéo công dân của chúng ta vào Tổ chức của chúng. Tôi cho rằng, quyết định can thiệp vào chiến dịch không kích của Pháp là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải mở rộng hơn nữa các chiến dịch bởi các cuộc không kích hiện là chưa đủ để chống lại IS”.
Đóng góp vào nỗ lực quốc tế, ngày 3/11, chính phủ Singapore tuyên bố sẽ hỗ trợ quân sự cho Liên minh gồm 33 nước chống IS song sẽ không tham gia vào các hoạt động chiến đấu. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều nước đồng minh đã xác định theo đuổi một chiến dịch lâu dài và phức tạp chống IS. Số tiền mà các nước phải chi mỗi ngày cho các cuộc không kích IS đã vượt xa hơn nhiều con số ước tính. Điều này đang đẩy nhiều nước vào một bài toán khó về tài chính trong bối cảnh ngân sách quốc gia eo hẹp./.