Cuộc đàm phán cam go giữa Sudan và Nam Sudan
(VOV) - LHQ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả Sudan và Nam Sudan nếu hai bên không thống nhất được đàm phán
Ngày 23/9, Tổng thống Sudan và Tổng thống Nam Sudan có cuộc hội đàm tại Ethiopia để bàn về việc nối lại xuất khẩu dầu đang bị ngưng trệ và tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, khu vực biên giới xung đột và bất đồng giữa hai nước láng giềng này tiếp tục là vấn đề phức tạp và đầy thử thách trong các cuộc đối thoại song phương.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Sudan và Nam Sudan lần này được xem như cách thức để hai bên đạt được bước đột phá nhằm tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Đường ống dẫn dầu giữa Sudan và Nam Sudan bị phá hủy do xung đột (Ảnh: Lenta) |
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả Sudan và Nam Sudan theo Nghị quyết 2046 nếu cả hai bên không giải quyết được các tranh chấp. Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể từ bỏ những biện pháp trừng phạt nếu hai bên đàm phán thành công tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này.
Theo người phát ngôn của Phái đoàn đàm phán Sudan, ông Bader El-din Abdella, vấn đề về phí vận chuyển dầu và các vấn đề tài chính có liên quan khác đã sẵn sàng để lãnh đạo hai bên ký kết: “Có một số điểm khác biệt, nhưng hai Tổng thống đã sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề và cố gắng tìm ra điểm chung để cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Thực tế, cuộc gặp thượng đỉnh này là nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện giữa hai nước. Vì vậy, các bên đều hy vọng vào thành công của cuộc gặp này”.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 cũng ra tuyên bố hoan nghênh Sudan và Nam Sudan nối lại các cuộc đối thoại hòa bình.
Đại sứ Đức Peter Witig tại Liên Hợp Quốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 9 này cho biết: “Các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hối thúc Tổng thống Sudan và Nam Sudan thể hiện tinh thần xây dựng và ý nguyện chính trị giúp xóa bỏ những bất đồng còn tồn tại, đảm bảo sự thành công của các cuộc đàm phán vào hôm nay, phù hợp với quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi.
Liên Hợp Quốc cũng nhắc lại việc hai bên cần phải phân định ranh giới khu vực biên giới ngay lập tức, giám sát chặt chẽ thỏa thuận dựa trên cơ sở một khu vực biên giới phi quân sự và an toàn”.
Tuy nhiên, bên cạnh thỏa thuận "hòa bình về năng lượng" này, tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước vẫn là vấn đề khó giải quyết. Hai nước đã tiến hành các cuộc đàm phán nhằm xác định một ranh giới lãnh thổ chính xác và được cả hai bên chấp nhận liên quan đến Abyei, một khu vực giàu dầu mỏ và là nơi diễn ra cuộc xung đột vũ trang mới đây.
Trong các cuộc đàm phán gần đây, hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau thực hiện các vụ tấn công lẻ tẻ và hỗ trợ các phe nhóm khủng bố đòi ly khai trên lãnh thổ của nước này, nước kia. Đây là dấu hiệu cho thấy, mâu thuẫn giữa hai nước vẫn chưa thực sự chấm dứt. Những dấu hiệu này cũng cho thấy triển vọng duy trì thỏa thuận kinh tế giữa hai nước rất mong manh. Những hành động bạo lực cục bộ có thể làm tái phát xung đột và kéo hai nước vào một cuộc khủng hoảng mới./.