Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu giai đoạn nước rút

(VOV) - Kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ tín nhiệm dành cho 2 đối thủ Obama và Mitt Romney là ngang nhau.

Ngày 4/9, đảng Dân chủ tại Mỹ bắt đầu Đại hội toàn quốc tại thành phố Charlotte (bang Bắc Carolina). Tại đây, đương kim Tổng thống Obama sẽ chính thức chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống nhiệm kì hai. Sau sự kiện này, ông Obama sẽ bước vào tuần tranh cử quan trọng, mang tính quyết định trước đối thủ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney.  

Tổng thống Mỹ Obama (phải) và ứng cử viên tổng thống Mỹ Mitt Romney (Ảnh: Csmonitor)

Kết quả cuộc thăm dò do hãng tin Anh Reuters (Anh) và Cơ quan điều tra công luận Ipsos của Pháp phối hợp thực hiện, công bố hôm 3/9 cho thấy, tỷ lệ tín nhiệm dành cho 2 ứng cử viên là ngang nhau.

Kết quả cuộc thăm dò khác lấy ý kiến của riêng cử tri ở Bắc Carolina cho thấy, ứng cử viên Romney tạm dẫn trước với 47% cử tri ủng hộ, trong khi 43% ủng hộ Tổng thống Obama. Cử tri bang Bắc Carolina tin rằng, ứng cử viên Romney điều hành nền kinh tế tốt hơn, còn đương kim Tổng thống Obama sẽ xử lý các vấn đề đối ngoại khôn khéo hơn.

Về các vấn đề trong nước, cử tri Mỹ nói chung chưa nhận thấy sự khác biệt trong các chính sách giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, thậm chí là các chính sách tác động trực tiếp đến bản thân họ như chăm sóc y tế và chưa có ý kiến rõ ràng về ứng cử viên nào có khả năng bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ tốt hơn.

Theo giới phân tích, đương kim Tổng thống Obama đang đối mặt với nhiều thách thức hơn so với thời điểm tranh cử năm 2008 bởi tình hình kinh tế khó khăn, thất nghiệp tăng cao. Trong chương trình truyền hình phát sóng hôm 3/9, các cố vấn Nhà Trắng cho rằng, ông Obama sẽ phải vạch ra con đường chấn hưng nền kinh tế, đưa tầng lớp trung lưu trở lại mức sống khá giả như trước đây. Đây sẽ là cương lĩnh tranh cử quan trọng nhất, quyết định thành bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Nhà phân tích chính trị Charlie Cook nhận định: “Đối với Tổng thống Obama, ông phải thuyết phục người dân rằng, nếu được tái cử thì trong 4 năm tới, đời sống của người dân sẽ khá hơn nhiệm kì 4 năm qua. Rõ ràng, nước Mỹ đã vượt qua thời điểm khó khăn và ông sẽ phải tái xây dựng khẩu hiệu “hy vọng” mà ông đã nêu ra cách đây 4 năm”.

Trên đường phố Charlotte, cử tri Gayle Bess bày tỏ mối quan tâm hàng đầu của họ là việc làm:  “Vào thời điểm này, rõ ràng việc làm là vấn đề quan trọng nhất. Hiện nay, nhiều người không có việc làm, ảnh hưởng tới toàn bộ gia đình, ảnh hưởng tới trẻ em. Nhiều gia đình phải lo bữa ăn hàng ngày. Vì thế, tôi muốn chứng kiến nước Mỹ có thêm nhiều việc làm”.

Các thành viên đảng Dân chủ cũng khẳng định, ông Obama phải “phản biện” lại những chỉ trích của đảng Cộng hòa. Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tuần trước, giới lãnh đạo đảng này đã công kích đương kim Tổng thống Obama, cho rằng, ông thiếu kinh nghiệm điều hành và quản lý kinh tế. Ông Romney tuyên bố, nếu trúng cử, ông sẽ tập trung vào vấn đề tạo công ăn việc làm, giảm thâm hụt ngân sách và làm cho nước Mỹ ít phụ thuộc vào năng lượng.

Theo các nhà phân tích, mặc dù các thành viên Đảng Dân chủ lập luận rằng, Tổng thống Obama đã phải "thừa hưởng" một nền kinh tế vốn dĩ đã yếu kém, trì trệ từ người tiền nhiệm George Bush. Tuy nhiên, những vấn đề kinh tế cùng tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức xấp xỉ 8,3% sẽ là thách thức không nhỏ đối với ứng cử viên đảng Dân chủ nếu ông muốn tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm nhiệm kỳ nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Vẫn “ngang sức, ngang tài"
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Vẫn “ngang sức, ngang tài"

(VOV) - Đương kim Tổng thống Mỹ có chút lợi thế nhất định.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Vẫn “ngang sức, ngang tài"

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Vẫn “ngang sức, ngang tài"

(VOV) - Đương kim Tổng thống Mỹ có chút lợi thế nhất định.