Cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ

Lễ duyệt binh diễn ra cách đây 70 năm, ngày 7/11/1941 đã đi vào lịch sử như biểu tượng tuyệt vời về lòng dũng cảm và sự gan dạ của nhân dân Liên Xô, về sức mạnh của đạo lý và niềm tin tất thắng

Cuộc duyệt binh mùa đông 1941- sự kiện đột phá

Cuộc duyệt binh lịch sử được tổ chức cách đây đúng 70 năm, ngày 7/11/1941 nhân kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười (CMT10) bất chấp những khó khăn, phức tạp của thời chiến khi quân phát xít Đức đang ở cửa ngõ Moscow. Sau lễ duyệt binh, từ Quảng trường Đỏ, các chiến sĩ Hồng quân đã tiến thẳng ra mặt trận để chiến đấu với quân thù, bảo vệ thủ đô và đất nước thân yêu của mình, đồng thời cứu loài người khỏi thảm họa phát xít.

Cuộc duyệt binh lịch sử đã đập tan kế hoạch đánh chiếm thủ đô Moscow trong năm 1941, bắt sống Ban lãnh đạo Liên Xô, tử hình Stalin, nổ mìn phá tường thành Điện Kremli, phá lăng Lenin và tổ chức diễu binh trên Quảng trường Đỏ mừng thắng lợi của phát xít Đức đúng vào dịp kỷ niệm 24 năm CMT10 (1917-1941) v.v…

Ngược lại thời gian cách đây 70 năm, ngày 22/6/1941, sau khi chiếm hầu hết châu Âu, phát xít Đức đã xóa bỏ mọi điều ước đã ký kết trước đó giữa hai nước, tung một lực lượng mạnh nhất bao gồm bộ binh, thiết giáp, không quân bất ngờ tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh Liên Xô - Đức bắt đầu và cũng mở màn cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và thiêng liêng của nước Nga. Kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt, cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã lôi cuốn hàng triệu người con của Liên bang Xô Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia. Đặc biệt trong số đó có 11 người Việt Nam.

Những chiến sĩ Hồng quân tham gia duyệt binh năm 1941
Tháng 11/1941, sau 5 tháng chiến đấu trong những điều kiện bất lợi, Hồng quân chịu những tổn thất nặng nề. Quân Đức triển khai chiến dịch bao vây đánh chiếm Moscow mang tên "Bão biển” (Typhoon) từ cuối tháng 9 - đầu tháng 10/1941 và dự định chiếm thủ đô Nga trước ngày 7/11. Máy bay Đức liên tục ném bom oanh kích. Một bộ phận các cơ quan chính phủ và đoàn ngoại giao tại Moscow đã sơ tán về Kuibyshev từ giữa tháng 10.

Vào thời điểm đó, có tin đồn rằng Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã rời khỏi thành phố Moscow khiến quân dân ở mặt trận và hậu phương rất lo ngại. Để xua tan những tin đồn đó và củng cố tinh thần của nhân dân trong cả nước, ngày 24/10/1941 Stalin cho triệu tập Tư lệnh Quân khu Moscow và đề xuất chuẩn bị cho cuộc duyệt binh sau khi tham khảo ý kiến một số tướng lĩnh ngoài mặt trận và Tư lệnh các binh chủng trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối.

Quyết định tổ chức duyệt binh kỷ niệm CMT10 vào ngày 7/11 tại Quảng trường Đỏ như truyền thống bao năm qua của Liên Xô sẽ là một sự kiện đột phá, có tác dụng cực kỳ lớn lao khích lệ tinh thần nhân dân và quân đội Liên Xô. 

Trước đó, ngày 6/11/1941, buổi lễ trọng thể kỷ niệm 24 năm CMT 10 của chính quyền thành phố Moscow được tổ chức ngay tại nhà ga tàu điện ngầm Mayakovskaya thay vì tại Nhà hát Lớn lúc bấy giờ đã được đặt mìn phòng thủ.

Tại lễ kỷ niệm Stalin có bài phát biểu nêu những nguyên nhân khiến quân địch tạm thời chiếm ưu thế trong thời kỳ đầu chiến tranh và đưa ra nhận định rằng, sự thất bại của quân đội Đức là không thể tránh khỏi. Chỉ sau khi lễ kỷ niệm kết thúc Stalin mới thông báo cho Bộ Chính trị, Đảng bộ và chính quyền Moscow về thời gian bắt đầu lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ vào sáng hôm sau được tổ chức sớm lên 2 tiếng - vào lúc 8h sáng chứ không phải 10h như thông lệ các năm trước. 

Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh chỉ được biết lịch này vào lúc 23h đêm ngày 6/11, còn khách mời và khối nhân dân lao động được thông báo về giờ tổ chức lúc 5h sáng ngày mùng 7/11.

Các binh chủng tham gia lễ duyệt binh mùa đông năm 1941
Trong đêm mùng 6 rạng ngày mùng 7/11, các ngôi sao điện Kremli mới được gỡ chụp bảo vệ và được thắp sáng, lăng Lê nin được dỡ bỏ ngụy trang. Quảng trường Đỏ đón chào ngày kỷ niệm 24 năm CMT 10 với đầy vẻ trang trọng và hùng tráng.

Bí mật về lễ duyệt binh được giữ kín đến phút chót, cũng như việc dời thời điểm khai mạc sớm hơn 2 tiếng, khi trời Moscow chưa sáng rõ, đã khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ. Nhật ký chiến trường cho biết chỉ khoảng 1 tuần trước lễ duyệt binh, Liên Xô đã vô hiệu hóa hơn 100 biệt kích gián điệp của Đức.

Trước đó, từ ngày 5/11 các lực lượng Không quân - Hải quân Liên Xô đã có nhiều đợt tấn công ngăn chặn vào các sân bay Đức. Không quân cũng điều 550 máy bay chiến đấu từ mặt trận về chi viện bảo vệ thủ đô trong ngày lễ. Trong ngày 7/11 Moscow không bị ném bom lần nào.

Cuộc duyệt binh huyền thoại, có một không hai trong lịch sử

Đúng 7h50 ngày 7/11/1941, Stalin và các thành viên chính phủ Liên Xô còn ở lại Moscow bước ra lễ đài. Đúng 8h00 sáng tất cả các loa phóng thanh truyền đi giọng nói đĩnh đạc của phát thanh viên Levitan: "Đây là tin của tất cả các đài phát thanh Liên Xô. Đài phát thanh Trung ương Moscow bắt đầu buổi tường thuật trực tiếp từ Quảng trường Đỏ về lễ duyệt binh của các đơn vị Hồng quân kỷ niệm 24 năm Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng Mười Vĩ đại…"

Tham gia cuộc duyệt binh có một không hai này có 15 chiếc xe tăng T-34; các tiểu đoàn học viên Trường Sĩ quan Chính trị Quân khu; Trường Sĩ quan Pháo binh cờ đỏ; trung đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 của Quân khu Moscow; trung đoàn thuộc Sư đoàn 332 mang tên Frungie; các đơn vị bộ binh, kỵ binh và xe tăng thuộc Sư đoàn mang tên Dzeginski; tiểu đoàn đặc biệt của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng; Tiểu đoàn cận vệ Cờ Đỏ; hai trung đoàn pháo binh thuộc khu vực phòng thủ Moscow; Trung đoàn phòng không; hai tiểu đoàn xe tăng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh và một số đơn vị khác.

Đích thân Stalin đã tiếp nhận cuộc duyệt binh. Ông nhấn mạnh, cuộc chiến tranh mà Liên Xô đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh chính nghĩa. Nhân danh Ðảng và Nhà nước Liên Xô, Stalin kêu gọi các chiến sĩ Xô-viết: "Các dân tộc bị nô dịch của châu Âu đang sống dưới ách của bọn xâm lược Ðức trông chờ vào các đồng chí như là những người sẽ giải phóng cho họ. Sứ mệnh giải phóng vĩ đại đã trao cho các đồng chí. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh đó... Dưới ngọn cờ của Lê nin, tiến lên giành thắng lợi!"

Stalin và các thành viên chính phủ Liên Xô còn ở lại Moscow đứng trên lễ đài
Cuộc duyệt binh năm 1941 không chỉ là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong số các cuộc duyệt binh trong lịch sử Liên Xô và Nga, chỉ vỏn vẹn 25 phút kể cả thời gian Stalin phát biểu, mà còn là cuộc duyệt binh mạo hiểm nhất, bởi lẽ ngày hôm đó các đơn vị tiền duyên của phát xít Đức chỉ cách thủ đô Moscow có vài chục km. Cuộc duyệt binh đó được xem như một chiến dịch quân sự cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao tinh thần của quân đội và nhân dân, chứng tỏ cho toàn thế giới biết rằng, Liên Xô không đầu hàng và tinh thần chiến đấu của quân đội không bị đè bẹp.

Cuộc diễu binh cách đây 70 năm là một mốc lịch sử của nhân loại. Khí thế từ cuộc duyệt binh lịch sử đã cổ vũ quân và dân Liên Xô đoàn kết một lòng, chiến đấu ngoan cường, anh dũng, đã đánh bật quân Đức ra khỏi Moscow và làm thất bại hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Đến đầu tháng 12/1941, đà tiến công của quân Đức bị chặn lại ở ngay cửa ngõ Moscow.

Tiếp đó, quân đội Liên Xô từng bước đánh bại hoàn toàn quân Đức trên các mặt trận và trong các trận đánh quyết định: Trận Stalingrad (mùa Đông 1942), Vòng cung Kursk (1943)… Tới cuối năm 1944, quân đội Liên Xô giành lại phần lớn lãnh thổ bị Đức chiếm đóng. Trên đà thắng lợi, quân đội Liên Xô không chỉ giải phóng Tổ quốc mình mà còn giải phóng một loạt nước Đông Âu khỏi ách phát xít Đức, tiến thẳng tới Berlin vào năm 1945, buộc quân Đức phải đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại

Tin về sự cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Các tờ báo của Anh và Mỹ đưa tin nhận xét, việc Liên Xô tổ chức một cuộc duyệt binh ở Moscow ngay sát chiến tuyến của phát xít Đức là biểu hiện tuyệt vời về lòng gan dạ và dũng cảm của nhân dân Liên Xô.

Các chuyên gia quân sự và các nhà sử học Nga đánh giá cuộc duyệt binh năm 1941 có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chiến ngang với một chiến dịch quân sự. Nó cho cả thế giới thấy rõ Moscow trong thời điểm khó khăn ác liệt thời kỳ đầu chiến tranh ấy vẫn đứng vững và sẽ chiến thắng. Đồng thời tạo niềm tin trong nhân dân vào Chiến thắng.

70 năm đã đi qua nhưng phẩm chất của những người lính Xô Viết vẫn sáng mãi trong lòng những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên