Phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, “giới hạn đỏ” của Nga bị thách thức
VOV.VN - Washington đã nhất trí cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine sau nhiều tháng do dự vì lo ngại rằng việc hỗ trợ chiến đấu cơ này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin.
Phương Tây đã vượt lằn ranh đỏ của Nga?
Tuy nhiên, Ukraine sẽ phải kiên nhẫn bởi Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nói với CNN rằng sẽ phải mất ít nhất "một vài tháng" trước khi Kiev tiếp nhận chiến đấu cơ. Kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và đồng minh đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev. Những hệ thống như pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777, xe tăng Leopard và Challenger, hay gần đây nhất là hệ thống tên lửa Patriot đều lần lượt được cung cấp cho Ukraine và cho đến nay chưa vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Nga.
Tuy nhiên, liệu điều đó có thể thay đổi khi Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ huấn luyện cho phi công Ukraine, đồng thời cho phép đồng minh hỗ trợ chiến đấu cơ vượt trội hơn hẳn so với các tiêm kích MiG-29 và Su-27 mà Kiev đang sử dụng?
“Tổng thống Putin có lẽ sẽ cân nhắc việc cung cấp chiến đấu cơ là một lằn ranh đỏ mặc dù hiện vẫn chưa rõ khả năng, thời điểm cũng như cách thức Nga sẽ phản ứng", ông Tom Robert, Phó Giáo sư tại Cao đẳng Smith ở Northampton, Massachusetts cho hay.
Theo chuyên gia Roberts: "Trong khi khó có thể dự đoán việc cung cấp tiêm kích F-16 sẽ tác động thế nào đến diễn biến cuộc xung đột thì nhiều khả năng động thái này có thể được coi là một dấu hiệu leo thang căng thẳng".
Còn theo ông Gary Rose, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Sacred Heart ở Connecticut thì: "Việc vận chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ khiến Nga tin rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang leo thang căng thẳng và phương Tây là bên gây hấn".
"Tôi cho rằng điều đó sẽ khiến Tổng thống Putin đưa ra những tuyên bố mà họ từng đưa ra trước đó, rằng có thể Nga sẽ phải sử dụng đến mọi biện pháp sẵn có, bao gồm cả phản ứng hạt nhân để đối phó với sự leo thang của phương Tây", ông Gary Rose nhận định với Newsweek.
Trước đó, Tổng thống Putin từng cảnh báo, việc sử dụng tất cả phương tiện để bảo vệ đất nước "không phải là lời nói suông".
Dù vậy, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng Tổng thống Putin sẽ không có lợi khi sử dụng vũ khí hạt nhân bởi các nước đối tác của Moscow như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phản đối động thái trên.
Tuy nhiên, Giáo sư Khoa học Chính trị Wes Renfro tại Đại học Quinnipiac ở Hamden, Connecticut cho rằng: "Nói một cách đơn giản, trừ khi Tổng thống Putin sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân, nếu không thì Moscow không thể đáp trả một cách đáng kể".
Kế hoạch chi tiết về việc các tiêm kích F-16 sẽ được chuyển giao như thế nào cho Ukraine vẫn chưa rõ và thời gian để huấn luyện phi công sử dụng chúng là 2 năm. Thậm chí nếu khung thời gian đó được rút ngắn thì vẫn cần một thời gian dài để xem xét liệu chúng có thay đổi được tình hình trên thực địa hay không.
F-16 không phải “vũ khí thần kỳ”
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã cảnh báo, các chiến đấu cơ F-16 sẽ không phải là "vũ khí thần kỳ" cho Ukraine bởi "Nga có tới 1.000 chiến đấu cơ thế hệ thứ tư".
Theo ông Greg Bagwell, cựu chỉ huy cấp cao của Không quân Hoàng gia Anh, việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ không tự động trao cho Ukraine ưu thế trước Nga. Một số nhà phân tích cũng cho rằng việc cung cấp chiến đấu cơ này không phải "viên đạn bạc" cho Không quân Ukraine. Có một số trở ngại cần vượt qua trước khi F-16 có thể được sử dụng thành công và bản thân tiêm kích này vẫn không đủ để chiếm ưu thế trên không. Ukraine cần huấn luyện lực lượng mặt đất và phi công, có đủ các hệ thống phòng không để bảo vệ các căn cứ đặt chúng cũng như có số lượng tên lửa phù hợp.
Một vấn đề nghiêm trọng cho tất cả tiêm kích của Ukraine là hệ thống phòng không nhiều lớp của Nga. Chúng có thể hạn chế khả năng của F-16 trong việc tiến gần một số vị trí nhạy cảm của Nga, đặc biệt là Crimea - nơi hệ thống phòng không S-400 được bố trí.
"Ý nghĩa chủ yếu trong quyết định của Tổng thống Biden nhằm thông qua việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine là cách Mỹ gửi tín hiệu về sự cam kết lâu dài cho Ukraine", Peter Rutland, Giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á - Âu tại Đại học Wesleyan, Connecticut cho hay.
"Các chiến đấu cơ này sẽ không phải nhân tố thay đổi tình hình chiến trường nếu xét tới sức mạnh của phòng không Nga. Nhưng Moscow đang chơi trò câu giờ với hy vọng rằng phương Tây sẽ dần không còn hứng thú đến việc hỗ trợ Ukraine nếu cuộc phản công của Kiev không thể phá vỡ thế bế tắc trên tiền tuyến".
Mỹ và đồng minh đã thể hiện thái độ thận trọng khi tăng cường hỗ trợ Ukraine mà không làm leo thang căng thẳng. Trong gói hỗ trợ gần đây nhất Tổng thống Biden đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Mỹ đã cam kết cung cấp cho Kiev 375 triệu USD thiết bị. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đảm bảo với Tổng thống Biden rằng các tiêm kích F-16 sẽ không được sử dụng trên lãnh thổ Nga.
"Sẽ có những hạn chế về việc cung cấp vũ khí và đạn dược. Tôi hy vọng những hệ thống vũ khí này cũng như việc hỗ trợ chúng sẽ đi cùng với những giới hạn về cách thức chúng có thể được sử dụng", Lewis Griffith, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Denver đánh giá.
Ông Griffith cho biết, Mỹ coi F-16, cũng như xe tăng Abram trước đó "là một bước tiến kỹ thuật cho Ukraine nhưng không phải là sự can thiệp trực tiếp của NATO vào xung đột và sẽ không phải một hệ thống có thể cung cấp số lượng đủ lớn để thay đổi những tính toán chiến lược căn bản".
"Vì thế, bước tiến này vẫn nằm dưới ngưỡng Nga cho là leo thang xung đột", ông Griffith nhận định./.