Đằng sau hành trình tìm kiếm chú cá voi cô đơn nhất thế giới – 52Hz
VOV.VN - Chú cá voi cô đơn nhất thế giới 52Hz có thực sự tồn tại và liệu nó có cô độc trong đại dương như chúng ta vẫn nghĩ?
Câu chuyện về chú cá voi cô đơn nhất thế giới
Chú cá voi cô đơn nhất thế giới sống ở phía bắc Thái Bình Dương. Các nhà khoa học đã theo dõi chú trong hơn 30 năm qua việc lắng nghe âm thanh mà chú phát ra khi bơi đi bơi lại ở những vùng biển khác nhau, với những tiếng kêu cất lên trong thinh lặng mà không có sự hồi đáp. Dù sao thì đó cũng chỉ là một câu chuyện. Các nhà sản xuất một bộ phim tài liệu mới đã phát hiện ra sự thật rằng, chú cá voi đang chật vật để được lắng nghe này, có lẽ không phải quá bất thường.
Câu chuyện về chú cá voi cô đơn nhất thế giới xuất hiện vào Chiến tranh Lạnh, khi quân đội Mỹ triển khai mạng lưới các ống nghe dưới nước để phát hiện tàu ngầm của Liên Xô. Trong quá trình này, những người vận hành đã nhận được một số tiếng ồn lạ lùng với một số âm thanh rên rỉ ở tần số thấp mà họ gọi là Quái vật Jezebel. Tuy nhiên, sau đó, họ đã xác định được đây là âm thanh của những chú cá voi vây và cá voi xanh. Vào cuối những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh dần kết thúc, Lầu Năm Góc đã cho phép các nhà nghiên cứu cá voi có thể tiếp cận mạng lưới ống nghe ngầm này. Trong số họ có William Watkins, một nhà tiên phong trong việc xác định và theo dõi những loài động vật có vú dưới biển qua những âm thanh mà chúng tạo ra.
Không lâu sau khi được phép tiếp cận hệ thống ống nghe trên, nhà nghiên cứu này đã chú ý tới một âm thanh khác với những âm thanh còn lại. Trong khi những chú cá voi khác có tần số âm thanh từ 15 - 30Hz thì chú cá voi với âm thanh đặc biệt trên có tần số là 52Hz.
Watkins và đội ngũ của ông đã theo dõi chú cá voi này trong hơn một thập kỷ. Họ đã công bố một tài liệu về tiềm năng của hệ thống âm thanh dưới nước, chẳng hạn như hệ thống của Lầu Năm Góc cho việc theo dấu những chú cá voi đơn lẻ năm 2004. Tuy nhiên, khi tài liệu này được truyền thông đưa tin, chú cá voi trên lại khơi gợi lên nhiều suy tưởng khác nhau trong công chúng. Mọi người bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu chú cá voi trên có phát ra những âm thanh khác với tần số của những chú cá voi khác hay không? Liệu những chú cá voi khác có nghe thấy nó hay không? Liệu chú cá voi này có nghe thấy những chú cá voi khác hay không? Liệu tiếng kêu của nó có chìm vào bóng tối của đại dương hay không? Liệu nó có đơn độc không? Liệu nó có cô đơn không?
Chú cá voi này đã trở thành đề tài cho thơ ca, nhạc họa và thậm chí có hẳn một tài khoản trên Twitter. Chú cá voi này dường như đại diện cho những người đang cảm thấy cô đơn và vô định. Mắc kẹt trong cô đơn và công việc mà mình không hề yêu thích, một nhạc sĩ đã soạn một album lấy cảm hứng từ chú cá voi này. Một nhà làm phim trải qua những lo lắng trong cuộc sống cảm thấy bình tĩnh hơn khi thấy hình ảnh chú cá voi cô độc trong đại dương và lắng nghe tiếng kêu của nó. Năm 2015, một bài hát của nhóm nhạc K-Pop nổi tiếng BTS mang tên Whalien 52 cũng nói về một chú cá voi với "tiếng nói cô độc không bao giờ có thể chạm đến ai khác cho dù cố gắng thế nào".
Đằng sau hành trình tìm kiếm 52Hz
Tuy nhiên, có một sự thật không mấy lãng mạn là không có lý do khoa học nào để cho rằng chú cá voi trên cô độc, chứ chưa nói tới việc cô đơn hơn những chú cá voi khác trong đại dương. Christopher Clark thuộc Đại học Cornell, một trong những chuyên gia về sự giao tiếp của những chú cá voi nhận định với BBC năm 2015 rằng: "Cá voi xanh, cá voi vây và cá voi lưng gù đều có thể nghe thấy chú cá voi 52Hz này, chúng không bị điếc. Chú cá voi này chỉ hơi đặc biệt".
Ana Širović, giáo sư tại Đại học Texas A&M thì cho rằng: "Câu hỏi đặt ra là những chú cá voi khác có nhận ra nó hay không? Điều đó có ý nghĩa gì với chúng? Liệu điều này có lạ lùng và chúng sẽ hoàn toàn phớt lờ hay không? Hay đó là điều mà chúng hiểu chỉ đơn giản là khác với những tín hiệu của chúng?”
Sau đó, Joshua Zeman - một nhà làm phim tài liệu khi nghe về chú cá voi này đã bắt đầu làm một bộ phim về những người "ám ảnh" với chú cá voi 52Hz như thể họ chính là chú cá voi đó. Tuy nhiên, sau đó ông đã thay đổi mục đích này. Ông đã vận động mọi người quyên góp, tìm một chiếc thuyền và thuyết phục đội ngũ các nhà khoa học tìm kiếm chú cá voi cô đơn nhất thế giới.
Ngay từ đầu, cuộc tìm kiếm này dường như khá viển vông. Trong bộ phim tài liệu có tên "Chú cá voi cô đơn nhất: Cuộc tìm kiếm 52Hz" - một nhà hải dương học đã gọi đây chẳng khác nào nỗ lực “mò kim đáy bể”.
Tệ hơn là một số nhà khoa học cho rằng chú cá voi này có thể đã chết khi Zeman cho biết ông đã không nghe thấy nó trong nhiều năm. Những nhà nghiên cứu như Watkins theo dõi chú cá voi 52hz chủ yếu ở khu vực Vịnh Alaska và phía đông bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu 52Hz ở khu vực gần với bờ biển California thì các nhà nghiên cứu sẽ đối mặt với một thách thức mới, bởi bờ biển này là nơi có một số tuyến vận chuyển bận rộn nhất thế giới. Trong một cảnh của bộ phim tài liệu trên, khi các nhà khoa học tiến gần mục tiêu của họ, màn hình máy tính đã chuyển sang màu đỏ khi đường ống nghe bị quá tải bởi âm thanh của những tàu chở hàng đi qua.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh được rằng tiếng ồn từ hoạt động vận chuyển thương mại đã ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của phần lớn loài cá voi. Những chú cá voi đã buộc phải tăng tần số âm thanh khi giao tiếp để nghe thấy nhau. Có một nghịch lý là, trong khi chúng ta gặp rắc rối trong việc tìm kiếm chú cá voi cô đơn nhất thế giới thì ngoài kia sự di chuyển của hàng vạn tàu thuyền đang khiến cho đại dương ngày càng nhiều những chú cá voi cô đơn khi tiếng kêu của chúng chìm nghỉm giữa những âm thanh của các hoạt động vận chuyển thương mại. Những chú cá voi chỉ biết cất tiếng ngày càng to hơn trong nỗ lực tuyệt vọng để được lắng nghe./.