Dính đến đảo chính, Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ 2017 bị tước vương miện
VOV.VN - Lý do tân Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ bị tước vương miện sau khi được trao là cô đã bình luận khiếm nhã về người thiệt mạng trong vụ đảo chính 2016.
Người đẹp Itir Esen 18 tuổi đã đăng tải một đoạn tweet trên mạng xã hội Twitter đề cập đến cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, trong đó cô gái so sánh chu kỳ kinh nguyệt của mình với máu đã đổ xuống của những người thiệt mạng trong cuộc đảo chính đó.
Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ 2017 Itir Esen (trái). Ảnh: DW.
Nhà tổ chức cuộc thi hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đoạn tweet là “không thể chấp nhận được”. Họ xác nhận quyết định tước bỏ danh hiệu hoa hậu của Esen chỉ thời gian ngắn sau khi cô đoạt ngôi vị này.
Kể từ lúc bị tước vương miện, cô Esen đã phát ngôn qua mạng Instagram rằng mình không hề có động cơ chính trị khi viết và đăng đoạn tweet đó.
Đoạn tweet của Esen được lan truyền trên mạng vào tháng 7 vừa qua, trong lần kỷ niệm thứ nhất của sự kiện đảo chính 15/7/2016, mà trong đó gần 250 người đã thiệt mạng khi kháng cự lại âm mưu của các sĩ quan quân đội muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Esen đã viết như thế này: “Tôi hành kinh đúng vào sáng nay để kỷ niệm ngày "huyết chiến" 15/7. Tôi tưởng niệm ngày này bằng việc ra huyết, thể hiện máu đào của các "liệt sĩ" chúng ta”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thường dùng từ “liệt sĩ” để chỉ những người đã thiệt mạng khi chống lại cuộc đảo chính quân sự vào tháng 7/2016.
Những người tổ chức cuộc thi hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, đoạn tweet của Esen đã không bị phát giác cho đến sau đêm chung kết cuộc thi hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 21/9. Ngay sau đó, họ đã tiến hành một cuộc họp dài để thảo luận về vụ việc mới nảy sinh và kiểm chứng lại đoạn đăng tải của tân Hoa hậu Esen.
Đến ngày 22/9, ban tổ chức ra thông cáo công bố quyết định của họ thu hồi danh hiệu mới của Esen.
Thông cáo có đoạn: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng đoạn tweet này đã được đăng tải bởi chính Itir Esen. Tổ chức Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận một đoạn tweet như thế. Tổ chức này có nhiệm vụ quảng bá Thổ Nhĩ Kỳ ra thế giới và đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh của đất nước này”.
Điểm yếu chết người của phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Esen sau đó cố thanh minh trên mạng xã hội: “Tôi muốn nói rằng khi chỉ là một cô gái mới 18 tuổi, tôi không có ý đồ chính trị gì khi chia sẻ đoạn tweet đó... Tôi được nuôi dưỡng với sự tôn trọng dành cho quê hương tổ quốc”. Cô cũng xin lỗi vì đã “bị hiểu lầm”.
Á hậu 1 trong cuộc thi này đã sang Trung Quốc để thay thế Esen đại diện cho Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới.
Cô Esen không phải là Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất vướng vào tranh cãi chính trị.
Hồi năm 2016, một cựu Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xử 14 tháng tù treo vì đã lăng mạ Tổng thống Erdogan bằng một bài thơ châm biếm mà cô này chia sẻ trên mạng xã hội. Năm 2015, cô này đã bị bắt giữ trong thời gian ngắn cũng do bài thơ đó.
Thời gian đó, Tổng thống Erdogan đã đâm đơn kiện hàng ngàn người mà ông cho là đã xúc phạm ông. Tuy nhiên, sau đó ông Erdogan đã rút lại các đơn kiện và nói rằng mình được truyền cảm hứng từ tinh thần đoàn kết sau vụ đảo chính quân sự bất thành vào tháng 7/2016. Mặc dầu vậy, chính quyền Erdogan vẫn tiến hành nhiều chiến dịch trấn áp quy mô lớn liên quan đến vụ đảo chính, bắt giữ khoảng 50.000 người và sa thải hơn 150.000 nhân viên nhà nước./.