Hành tinh mất tích Theia bất ngờ hé lộ được "giấu" bên trong Trái Đất
VOV.VN - Các nhà khoa học vừa phát hiện ra, vật chất khác thường được tìm thấy ở trung tâm Trái Đất là những gì còn lại của một hành tinh cổ xưa Theia từng va chạm với Trái Đất cách đây hàng tỷ năm.
Các khối vật chất lạ lùng, còn được gọi là Khu vực Vận tốc chậm lớn (LLVP) được các nhà địa vật lý phát hiện vào những năm 1980, những người mà vào thời điểm đó không biết chúng là gì. Được tìm thấy bên dưới châu Phi và Thái Bình Dương, mỗi khối vật chất được tạo thành từ các nguyên tố khác nhau và gấp 2 lần kích cỡ Mặt trăng.
Hiện nay, cuối cùng các nhà khoa học đã có thể lý giải bí ẩn này. Những khối vật chất trên thực sự là những gì còn lại của một hành tinh cổ xưa đã va vào Trái Đất và hệ quả của cuộc va chạm này là sự hình thành Mặt trăng. Các phát hiện đưa ra trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 1/11.
Mặt trăng ra đời khi Trái Đất va chạm với một hành tinh nhỏ hơn tên là Theia. Tuy nhiên, không có gì còn lại của hành tinh này được tìm thấy và điều đó đã làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều năm.
Tuy nhiên, phát hiện mới đã cho thấy có thể nó đã bị Trái Đất "nuốt trọn". Điều này đã tạo ra các khối lạ lùng được phát hiện bên dưới lục địa châu Phi và Thái Bình Dương.
LLVP được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1980 qua phương pháp đo đạc sóng địa chấn. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng sự khác thường ở lớp mantle sâu nhất của Trái Đất. Sóng địa chấn cho thấy 2 cấu trúc được phát hiện rất giàu sắt. Hàm lượng sắt cao đồng nghĩa với việc sóng sẽ chậm lại.
Qua nghiên cứu, học giả Qian Yuan thuộc Viện Công nghệ California đã nghĩ ra các kịch bản về những điều từng xảy ra với Theia và cách nó tác động tới Trái Đất. Đội ngũ nghiên cứu xác định, vụ va chạm trên có thể đã dẫn đến sự hình thành Mặt trăng và các khối vật chất. Lớp mantle của Theia có thể đã được hợp nhất với lớp mantle của Trái Đất rồi sau đó bị kết tinh và hình thành các khối vật chất.
"Một suy luận hợp lý của ý tưởng trên là LLVP là những gì còn lại của hành tinh Theia cổ xưa", Giáo sư về địa lý và địa hóa học Paul Asimow, người cũng tham gia vào nghiên cứu trên cho hay.
Theia được đặt tên theo Theia, một trong những Titan trong thần thoại Hy Lạp, là mẹ của nữ thần Mặt Trăng Selene. Điều này tương đồng với vụ va chạm của hành tinh Theia với Trái Đất sơ khai được cho là đã tạo ra Mặt trăng.
Phát hiện trên có thể là bước tiến mang tính cách mạng trong cách hiểu của chúng ta về lịch sử của Trái Đất và nguồn gốc của Mặt trăng cũng như cung cấp bằng chứng về nơi yên nghỉ cuối cùng của Theia - đó là lớp mantle sâu trong Trái Đất.