Khỉ sau khi mắc Covid-19 có miễn dịch ngắn hạn

VOV.VN - 28 ngày sau lần nhiễm virus đầu tiên, những con khỉ được truyền liều virus thứ 2, nhưng chúng không có dấu hiệu tái nhiễm.

Các thí nghiệm trên những con khỉ nhiễm loại virus gây nên đại dịch Covid-19 hiện nay cho thấy chúng sẽ không bị tái nhiễn trong khoảng thời gian lên tới 28 ngày sau đó. Đây là kết quả một nghiên cứu của Trung Quốc được đăng tải trên tạp chí Khoa học ngày 2/7.

 28 ngày sau lần nhiễm virus đầu tiên, những con khỉ được truyền liều virus thứ 2, nhưng chúng không có dấu hiệu tái nhiễm.

Dù những con khỉ có hình thành cơ chế miễn dịch sơ bộ, nhưng vẫn chưa rõ cơ chế miễn dịch tương tự ở con người sẽ kéo dài bao lâu và cần phải chờ tới hàng tháng, thậm chí hàng năm mới có thể biết được liệu hàng triệu người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn đầu của đại dịch có được bảo vệ trước khả năng tái nhiễm hay không.

Các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Bắc Kinh đã tiến hành các thí nghiệm trên khỉ đuôi ngắn, loài thường được sử dụng trước khi tiến hành các thử nghiệm tương tự trên người, để xem liệu chúng có hình thành cơ chế miễn dịch ngắn hạn với virus hay không.

6 con khỉ đuôi ngắn được truyền virus SARS-CoV-2 qua đường thở. Chúng có các triệu chứng từ nhẹ đến vừa và mất khoảng 2 tuần mới khỏi bệnh.

28 ngày sau lần nhiễm virus đầu tiên, 4 trong 6 con khỉ được truyền liều virus thứ 2, nhưng lần này, dù có ghi nhận sự gia tăng nhiệt độ, chúng lại không có dấu hiệu tái nhiễm.

Bằng cách thu thập các mẫu thường xuyên, các nhà nghiên cứu phát hiện lượng virus đạt mức cao nhất sau 3 ngày kể từ khi nhiễm virus.

Những con khỉ hình thành cơ chế miễn dịch mạnh hơn sau lần nhiễm đầu tiên, sản sinh ra các kháng thể trung hòa bảo vệ chúng khỏi bị tái nhiễm trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, tác giả của nghiên cứu trên cho biết, vẫn cần phải tiến hành thêm các thí nghiệm để xem cơ chế miễn dịch này có thể tồn tại được bao lâu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên