Lỗ hổng kỳ lạ nhất thế giới ở Turkmenistan

Lỗ hổng có đường kính 70m được phát hiện cách đây hơn 40 năm

Thoạt nhìn, bạn có thể nghĩ đây là một cảnh ấn tượng từ một bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhưng không, đó là một lỗ hổng có thật. Nó là miệng núi lửa có đường kính 70m, được phát hiện tình cờ trong một chuyến khảo sát của các nhà địa chất Liên Xô cách đây hơn 40 năm.

Năm 1971, khi đưa máy móc thiết bị đến đây để khoan dò tìm khí gas,  các nhà địa chất phát hiện một hang động khổng lồ dưới đất. Trong quá trình khoan, mặt đất phía trên hang động này đã sụp xuống và nuốt trọn toàn bộ số thiết bị của các nhà địa chất. Lo sợ các loại khí độc dưới lỗ hổng sẽ thoát ra, các nhà địa chất quyết định đốt nó với hy vọng ngọn lửa sẽ tắt trong một vài ngày, nhưng cho đến nay đã mấy chục năm trôi qua, ngọn lửa chưa có dấu hiệu ngừng cháy.  

Người dân địa phương gọi đây là Cổng địa ngục (The Door to Hell), bởi lượng khí độc quá lớn trong lòng hố.

Lỗ hổng nằm ở Derweze, ở giữa sa mạc Karakum, Turkmenistan. Ngọn lửa dưới lỗ hổng tạo ra một vùng ánh sáng vàng có thể nhìn thấy nó khi ở cách đó hàng nghìn km.

Lỗ hổng này nằm cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan 260km về phía Bắc.


Tháng 4/2010, khi thị sát khu vực này, Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedow đã yêu cầu lấp hố này, tuy nhiên cho đến nay yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện.

Sa mạc Karakum, chiếm phần lớn diện tích của Turkmenistan, nằm ở phía đông của biển Caspi. Đây là khu vực có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên tương đối lớn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên