NASA phát hiện ngôi sao "song sinh" của Mặt trời phiên bản non trẻ
VOV.VN - Các nhà thiên văn học của NASA đã phát hiện ra một ngôi sao trông giống như một phiên bản non trẻ của Mặt trời và điều này có thể làm sáng tỏ cách hình thành sự sống trên Trái đất.
Nhóm nghiên cứu từ Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland cho biết, ngôi sao có khối lượng và nhiệt độ bề mặt tương tự như Mặt trời và cách chúng ta khoảng 30 năm ánh sáng.
Mặt trời được coi là đang ở tuổi trung niên với 4,6 tỷ năm tuổi, vì vậy việc tìm kiếm một ngôi sao tương tự Mặt trời lúc còn trẻ có thể giúp chúng ta tìm hiểu về hệ mặt trời thuở sơ khai.
“Nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách hành tinh của chúng ta hình thành bầu khí quyển và sự phát triển của sự sống trên Trái đất”, NASA cho biết.
Chúng ta không thể quay ngược hàng tỷ năm về hệ mặt trời thuở sơ khai và xem Mặt trời như thế nào khi sự sống lần đầu tiên được hình thành trên Trái đất. Tuy nhiên, có hơn 100 tỷ ngôi sao trong Dải Ngân hà, với 1/10 trong số đó có kích thước và độ sáng tương tự như Mặt trời. Nhiều ngôi sao đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
“Hãy tưởng tượng tôi muốn tái tạo một bức ảnh hồi nhỏ của một người lớn khi họ 1 hoặc 2 tuổi, và tất cả các hình ảnh của họ đều bị xóa hoặc bị mất. Tôi sẽ xem một bức ảnh của họ bây giờ và ảnh của những người thân xung quanh họ. Đó là loại quá trình mà chúng tôi đang theo dõi ở đây, xem xét các đặc điểm của một ngôi sao trẻ tương tự Mặt trời để hiểu rõ hơn về ngôi sao của chúng ta khi còn trẻ và cách hình thành sự sống trên một trong những hành tinh lân cận”, Vladimir Airapetian, nhà vật lý thiên văn cấp cao của NASA, cho biết.
Kappa 1 Ceti là một trong những ngôi sao tương tự Mặt trời. Theo NASA, ngôi sao này nằm cách chúng ta khoảng 30 năm ánh sáng và trong điều kiện không gian, nó giống như “một người hàng xóm sống ở con phố bên cạnh”.
Tác giả thứ hai của nghiên cứu, Meng Jin, nhà vật lý học tại Viện SETI và Phòng thí nghiệm Vật lý Thiên văn và Mặt trời Lockheed Martin ở California, cho biết, ngôi sao này cũng có khối lượng và nhiệt độ bề mặt tương tự như Mặt trời. Tất cả những yếu tố đó khiến Kappa 1 Ceti trở thành “cặp song sinh” của Mặt trời khi còn non trẻ.
Giống như những đứa trẻ mới biết đi, những ngôi sao trẻ được biết đến với sự bùng nổ năng lượng và hoạt động cao. Đối với các ngôi sao này, năng lượng được giải phóng dưới dạng gió sao. Gió sao, giống như bản thân các ngôi sao, chủ yếu được tạo thành từ một khí siêu nóng được gọi là plasma.
Những ngôi sao trẻ hơn có xu hướng tạo ra những cơn gió sao nóng hơn, mạnh hơn và những đợt phun trào plasma dữ dội hơn những ngôi sao già. Những đợt bùng phát như vậy có thể ảnh hưởng đến bầu khí quyển và hóa học của các hành tinh gần đó, thậm chí có thể xúc tác sự phát triển của vật chất hữu cơ, nền tảng xây dựng sự sống trên các hành tinh đó.
“Việc hiểu được Mặt trời trong giai đoạn Trái đất chỉ mới hình thành sự sống sẽ giúp chúng ta tinh chỉnh việc tìm kiếm các ngôi sao với các ngoại hành tinh có thể có sự sống”, ông Airapetian nói./.