Phụ nữ Dakar sống chung với lũ, biến nước lũ thành lợi thế
VOV.VN - Người dân đã giữ lại… nước lũ và cố gắng trồng cây cỏ để thu lợi từ nước lũ đó. Lợi ích từ nước lũ không chỉ dừng lại ở đó.
Các thành phố ven biển của Senegal nằm bên bờ Đại Tây Dương hung dữ, tuy nhiên nơi đây chủ yếu phải chống chọi với những trận lũ lụt do mưa lớn chứ không phải do thủy triều dâng.
Tại Pikine vùng ngoại ô của thủ đô Dakar, dự án "Chung sống với nước" giữ nước lũ trong bể chứa lớn, xung quanh có các vườn trồng bạc hà và húng quế tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Nhờ sử dụng những bế chứa, những cơn lũ trước đây từng quét sạch nhà cửa, tàn phá kinh tế địa phương và làm tăng nguy cơ dịch bệnh đã chuyển thành nguồn dự trữ nước sạch cho cộng đồng Tây Phi luôn phải chịu khô hạn trong nhiều năm qua.
"Trước đây, người ta chấp nhận rằng nhà cửa ở đây chịu cảnh ngập lụt. Nhưng dự án này chỉ cho chúng ta thấy rằng đây là một giải pháp," Emilie Faye, một lãnh đạo địa phương có công đóng góp cho dự án nói.
Bà Faye chỉ vào chiếc ghế ngồi của mình phản ánh mực nước lũ trong những năm qua, các bức tường và trần nhà bà đã bị biến sắc và bong tróc do ẩm ướt.
Giữ nước mưa
Nước lũ khi được chuyển hướng có thể đáp ứng vô số mục đích. Hệ thống thoát nước bề mặt dẫn nước vào một kênh ngầm đổ vào hệ thống lọc tự nhiên. Sau đó nước chảy qua một loạt các bể chứa, tạo ra khu vực trữ nước và một không gian xanh ở giữa khu dân cư đông đúc bụi bẩn và vùng ngoại ô.
Tại mỗi bể chứa hình thành hệ sinh thái riêng, tồn tại các cây thảo dược, cá và diệc.
Các lưu vực là khu vực trũng thấp tự nhiên nơi từng có trường học và nhà cửa. Đặc biệt, mưa lớn trong năm 2009 tràn ngập khu vực này và phá hủy các tòa nhà, biến nó thành một hố rác và là nơi sinh sản của muỗi và tội phạm địa phương.
Đây không phải là những gì mà nhiều người dân hy vọng khi họ chuyển tới Pikine vào cuối năm 1970 trong cơn tuyệt vọng muốn trốn khỏi hạn hán và nạn đói nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, không ai nói với họ rằng họ đã mua đất ở vùng trũng, vùng đầm lầy ngập úng. Ban đầu, ít lũ lụt xảy ra trong một thập kỷ hạn hán.
Nhưng bây giờ "người dân ở đây là những tù nhân trong nhà khi trời mưa", Mamadou N'Diaye, một trưởng thôn chia sẻ. "Trớ trêu thay, hầu hết những người đến đây là để thoát khỏi hạn hán nhưng bây giờ thì lại phải chịu ngập lụt."
Trước khi dự án giữ nước bắt đầu, người dân địa phương đã giải quyết được phần lớn vấn đề đối phó với lũ lụt. Nhà nước đã giúp di chuyển một số hộ gia đình, nhưng không giải quyết được trọng tâm vấn đề ngập úng, theo Babacar N'Diaye, một chuyên gia xây dựng dự án.
Một trong những vùng khó khăn nhất của ngôi làng là khu chợ, nơi thường xuyên bị ngập lụt trong nước, khiến người ta phải đóng cửa phần lớn các quầy hàng và những bà chủ hàng ở đây thất thu vì không bán được cá.
Khu phố chợ hiện nay được hưởng lợi từ hệ thống thoát nước dẫn đến bể chứa xây dựng trong các con phố.
Cố gắng không đổ rác vào bể chứa nước
Dù trọng tâm về mặt vật lý của dự án là một hệ thống thoát nước được xây bê tông, song thành công của dự án lại xoay quanh điều mềm dẻo hơn nhiều – sự sẵn lòng của những người phụ nữ trong việc thay đổi hành vi của mình trước vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường.
Ở Tây Phi, phụ nữ - những người chịu trách nhiệm trong việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và nấu nướng - thường đổ nước bẩn và rác vụn ra đường, vào sông hồ hay cống rãnh lộ thiên, bởi họ ít có điều kiện tiếp cận với hệ thống thoát nước hay các cơ sở xử lý nước.
Ở Pikine cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy, những bể chứa nước mới tiếp tục trở thành nơi chứa rác thải và nước ô nhiễm.
Nhưng Fayer và một nhà lãnh đạo cộng đồng khác, Mariama Diallo, đã dành nhiều thời gian thuyết phục những người phụ nữ lọc bỏ vụn rác khỏi nước đục trước khi đổ vào các cống thoát mới trên đường, và sử dụng xe chở rác chứ không vứt rác thải vào các bể nước.
Phụ nữ là những người được hưởng lợi trực tiếp. Họ không chỉ được tận hưởng môi trường trong sạch nhờ có dự án này mà còn được nâng cao kiến thức của mình về các vấn đề liên quan đến nước và hệ thống vệ sinh.
Nhiều người đã được đào tạo trồng trọt hữu cơ, và đã có thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức các nhóm phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai lũ lụt
Bản dự thảo kế hoạch toàn cầu ngăn chặn thiên tai mới thông qua tại Nhật Bản tháng này lưu ý rằng phụ nữ đã phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi thiên tai xảy ra trong vòng 10 năm qua.
Dự thảo cũng chỉ rõ, vai trò của phụ nữ trong việc quản lý rủi ro chính là điểm mấu chốt,và họ cần được trao quyền để chuẩn bị đối phó với thiên tai và tìm ra các cách kiếm sống mới sau khủng hoảng.
Thách thức vẫn còn
Người dân ở đây đã nói rằng họ sẽ chờ xem liệu các lợi ích mà dự án Dakar mang lại có kéo dài hay không, đặc biệt trong bối cảnh các nhà khí tượng học đã dự báo lượng mưa lớn năm nay có thể là thử thách đối với nỗ lực của người dân trong việc tái thiết sau lũ.
“Nhiều dự án đã triển khai nhưng chẳng thay đổi được gì” - Diallo chia sẻ, dù cô khá lạc quan rằng dự án này sẽ được tiếp tục thực hiện và mở rộng sang các cộng đồng dân cư khác.
Fayer cho biết dự án đã giúp đỡ cô và cả gia đình. Cô và con gái của mình, Esperance, đều đang lao động trong các vườn cây công nghiệp xung quanh các bể chứa. Thu nhập 22 USD/người mỗi tháng được dùng để thanh toán học phí và chi trả chi phí y tế.
Edouard Diatta, một chuyên gia tư vấn cao cấp trong Mandu, công ty kiến trúc hàng đầu của dự án, nói rằng những lợi ích mà dự án mang lại được mở rộng vượt ra ngoài những bể chứa và hệ thông kênh rạch mới. “Ngay cả khi hệ thống thoát nước có hư hỏng, thì chúng tôi cũng không thất bại” - ông nói. “ Thành quả quan trọng nhất của dự án không phải là cơ sở hạ tầng mới được xây dựng mà đó là khả năng của con người khi đoàn kết chung sức và đạt được điều gì đó”.
Amadou Gueye, một kỹ thuật viên địa phương làm việc trong dự án cũng đồng tình. Anh nói: “Dự án này có tên “Chung sống với Nước” chứ không phải “Sống với Nước mười năm rồi chúng ta sẽ thấy.
Xa xa phía phía sau Gueye, một phụ nữ đang đổ nước bẩn vào bể chứa. Còn 4 tháng nữa là đến mùa mưa, Fayer và Diallo vẫn còn rất nhiều việc phải làm./.