Tam Hiệp – Nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới phát điện tròn 20 năm
VOV.VN - Ngày 10/7 vừa qua là tròn 20 năm Nhà máy thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc vận hành tổ máy phát điện đầu tiên.
Nhà máy thủy điện Tam Hiệp nằm ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, bắt đầu xây dựng vào tháng 12/1994, hoàn thành vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, toàn bộ công trình Tam Hiệp phải đến cuối năm 2020 mới hoàn tất sau khi vượt qua toàn bộ quy trình nghiệm thu.
Trước đó, vào ngày 10/7/2003, tổ máy phát điện đầu tiên của Dự án Tam Hiệp đã chính thức phát điện. Với 34 tổ máy phát điện, nhà máy thủy điện Tam Hiệp có tổng công suất lắp đặt là 22,5 GWh và công suất thiết kế phát điện hàng năm là 88,2 tỷ kWh.
Theo số liệu mới nhất do Tập đoàn Tam Hiệp (CTG) – đơn vị vận hành nhà máy cung cấp cho phóng viên VOV, sau 20 năm, lượng điện do công trình này tạo ra đã đạt hơn 1.600 tỷ kWh, tương đương tổng lượng điện sử dụng trực tiếp của người dân Trung Quốc trong cả năm 2022. Con số này cũng tương đương với việc tiết kiệm hơn 480 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm khoảng 1,32 tỉ tấn khí thải carbon dioxide (CO2). Riêng năm 2020, nhà máy thủy điện Tam Hiệp đã đạt sản lượng điện 111,8 tỷ kWh, phá kỷ lục cao nhất về sản lượng điện của thế giới.
Là kiến trúc mang tính biểu tượng của toàn bộ công trình, đập Tam Hiệp dài 2.355 m, đỉnh đập cao 185 m so với mực nước biển. Đập này có 77 cửa xả lũ, trong đó có 22 cửa xả lũ mặt, 23 cửa xả lũ sâu. Ngoài ra, còn có các cửa xả chỉ sử dụng trong quá trình thi công và các cửa xả cát ở hai nhà máy điện nằm ở tả ngạn (bờ trái) và hữu ngạn (bờ phải) của con đập.
Tuy nhiên, không phải phát điện, mà kiểm soát lũ mới là chức năng chính của công trình Tam Hiệp. Năm 2020, con đập này đã thành công chặn đỉnh lũ của trận lũ số 5 trên sông Dương Tử (Trường Giang) với lưu lượng lên tới 75.000m3/giây - mức nước lũ lớn nhất mà đập Tam Hiệp phải hứng chịu kể từ khi xây dựng.
Từ khi được đưa vào hoạt động năm 2003, dự án Tam Hiệp đã thực hiện 66 lần kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu Trường Giang, với tổng dung tích phòng lũ là 208,8 tỷ m3.
Một chức năng khác của công trình Tam Hiệp là vận tải hàng hóa. Âu tàu tại đây cũng được vận hành từ năm 2003, với 2 hệ thống vận tải đường sông, gồm máy nâng tàu, tức hệ thống nâng tàu 1 cấp (được ví như thang máy) và âu tàu 5 cấp (giống như thang bộ) đưa các loại tàu thuyền lên xuống giữa thượng nguồn và hạ nguồn.
Cũng theo số liệu do CTG cung cấp, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các âu tàu tại đập Tam Hiệp đã vượt 1,92 tỉ tấn trong 20 năm qua, tính đến hết tháng 6/2023. Ngay từ năm 2011, còn số này đã vượt 100 triệu tấn, đạt chuẩn thiết kế trước thời hạn 19 năm, riêng năm 2022 đạt 160 triệu tấn (bao gồm cả hàng hóa qua hệ thống nâng tàu Tam Hiệp).
Thủy điện hiện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), thủy điện chiếm 40% tổng công suất, vượt xa năng lượng mặt trời (28%) và gió (27%).
Có thể nói, Trung Quốc là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống siêu đập thủy điện lớn nhất toàn cầu. Với 6 đập gồm Ô Đông Đức, Bạch Hạc Than, Khê Lạc Độ, Hướng Gia Bá, Tam Hiệp và Cát Châu Bá, một hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới đã hình thành trên sông Dương Tử ở nước này. Đứng sau hành lang này là Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (China Three Gorges Corporation – CTG) - một doanh nghiệp nhà nước thành lập năm 1993. CTG hiện là một trong những tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về năng lượng sạch và nhất nhì thế giới về thủy điện.