Trẻ em Philippines đối mặt "cuộc khủng hoảng học tập" trong đại dịch Covid-19
VOV.VN - Một năm vật lộn với đại dịch, các trường học trên khắp Philippines vẫn đang đóng cửa khiến quốc gia này phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng học tập”.
Cuộc khủng hoảng học tập
Lo sợ những người trẻ tuổi có thể nhiễm virus và trở thành nguồn lây bệnh cho người thân, Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã từ chối dỡ bỏ các hạn chế cho đến khi việc tiêm chủng được hoàn thành - điều có thể mất nhiều năm.
Một chương trình “học tập kết hợp” bao gồm các lớp học trực tuyến, tài liệu in và các bài học được phát sóng trên truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội đã được đưa ra vào tháng 10 năm 2020, bốn tháng sau khi năm học mới bắt đầu. Chương trình học này vấp phải khó khăn khi hầu hết học sinh ở Philippines không có máy tính hoặc internet ở nhà.
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thanh thiếu niên 15 tuổi ở Philippines đã đạt hoặc gần đạt phổ cập kiến thức về đọc, làm toán và khoa học. Nhưng kể từ khi trường đóng cửa, con số này đã giảm hơn một triệu người. Các chuyên gia lo lắng nhiều học sinh thậm chí còn bị tụt lại phía sau và nhiều học sinh đã bỏ học có thể sẽ không quay lại lớp học.
Ông Isy Faingold, Giám đốc giáo dục của UNICEF tại Philippines cho biết: “Covid-19 đang ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống trường học trên thế giới, nhưng ở đây nó còn tồi tệ hơn”. Ông nói, việc đóng cửa lớp học cũng khiến trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng tình dục, mang thai ở tuổi vị thành niên và bị các nhóm vũ trang tuyển mộ.
Sự phân hóa giàu nghèo
Kể từ khi có đại dịch, Philippines ra quy định trẻ em dưới 15 tuổi chỉ được phép chơi trong khuôn viên gia đình như một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Ngay cả khi các hạn chế về kiểm dịch đã được nới lỏng đối với những người trưởng thành trong độ tuổi lao động, chúng vẫn được áp dụng đối với trẻ em và người già, những người được coi là dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Quy tắc này đã được dỡ bỏ một thời gian ngắn đối với trẻ em ở một số khu vực vào tháng 1/2021 và chính phủ có kế hoạch mở cửa trở lại và có giới hạn với các trường học nhưng sau khi một biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, Tổng thống Duterte đã nhanh chóng áp dụng lại quy định này, đồng thời yêu cầu trẻ em xem truyền hình thay thế các hoạt động bên ngoài. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Đóng cửa trường học cũng là dịp thấy rõ sự phân hóa giàu nghèo tàn khốc ở đất nước này. Phụ huynh có tiền có thể thuê gia sư cho con cái của họ, hoặc thậm chí là một giáo viên sống trực tiếp trong nhà. Ông Paolo Martel - Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Ikon Solutions Asia - cho biết, đã đưa rất nhiều giáo viên đủ tiêu chuẩn vào sống cùng các gia đình giàu có trong suốt thời kỳ đại dịch. Còn đối với hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói thì việc truy cập internet hay trả tiền thuê giáo viên là không thể, nhiều trẻ em sẽ phải tự nghiên cứu các bài học thông qua các tài liệu được in ấn sẵn.
Theo một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, với 7,3 triệu người Philippines thất nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em sẽ phải bỏ học và tìm việc làm để giúp gia đình sống sót./.