Cuộc tập trận Mỹ-Hàn-Nhật và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Cuộc tập trận được tiến hành tại nơi có xung đột ở bán đảo Triều Tiên sẽ càng khiến tình hình khu vực diễn biến khó lường.

Ngày 21/6, cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa Hàn Quốc, Nhật và Mỹ bắt đầu. Đây được coi là động thái cảnh báo của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với Triều Tiên sau khi nước này phóng tên lửa mang vệ tinh bất thành hồi tháng Tư. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, những động thái  mới này của Mỹ và đồng minh có thể đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến một nấc thang căng thẳng mới.

Quân đội Hàn Quốc bắn đạn thật trong một cuộc tập trận chung (Ảnh: Internet)
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận diễn ra trong 2 ngày có sử dụng tàu khu trục, tàu hậu cần và máy bay trực thăng để diễn tập các hoạt động nhân đạo như tìm kiếm cứu nạn.

Sau cuộc tập trận kéo dài 2 ngày giữa lực lượng hải quân ba nước, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục khởi động cuộc diễn tập “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử” tại vùng biển Hoàng Hải. Tuy đối tượng tác chiến không được xác định, nhưng địa điểm diễn tập, cũng như kế hoạch các cuộc tấn công cho thấy Triều Tiên chính là “đối tượng” chủ yếu của cuộc tập trận.

Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận được tiến hành tại nơi có xung đột ở bán đảo Triều Tiên sẽ càng khiến tình hình khu vực diễn biến khó lường.

Điểm đáng lưu ý là cuộc tập trận diễn ra đúng dịp kỷ niệm 62 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (25/6/1950 - 25/6/2012). Đích thân Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik chỉ huy cuộc tập trận theo kịch bản quân đội Hàn Quốc đánh trả cuộc tấn công của quân địch theo đúng kịch bản của cuộc chiến tranh 62 năm về trước.

Về phần mình, ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã ký quyết định gia hạn thêm 1 năm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Những động thái này được giới phân tích cho rằng, đó là một thông điệp ngầm nhằm răn đe Bình Nhưỡng.

Dĩ nhiên, ngay lập tức, Triều Tiên đã phản ứng gay gắt, xem cuộc tập trận là sự khiêu khích nghiêm trọng, khơi mào cho một cuộc xung đột quân sự khu vực. Một người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Triều Tiên viện dẫn các nguồn tin hồi tuần trước cho rằng, việc tăng cường vũ trang của Mỹ, "cái bắt tay” giữa Mỹ và Hàn Quốc là "sự gây hấn rõ ràng” đối với Bình Nhưỡng và là sự khởi đầu cho một cuộc chiến tranh khu vực.

Giới quan sát cho rằng, tình trạng "nóng, lạnh” thất thường như vậy liên quan đến đòi hỏi của hai bên. Một bên là Hàn Quốc kiên quyết không thay đổi lập trường yêu cầu Triều Tiên phải ngay lập tức trở lại bàn đàm phán sáu bên và tôn trọng Tuyên bố chung tháng 9/2005 về giải trừ hạt nhân. Một bên là Triều Tiên cho rằng, chính Mỹ và các bên liên quan có sự thiên vị trong vấn đề hạt nhân và sẽ chỉ trở lại bàn đàm phán nếu chừng nào các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này được dỡ bỏ. Vì thế, khi Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trên đất liền vào ngày 22/6 tại khu vực biên giới ở Pecheon giáp Triều Tiên thì Bình Nhưỡng có lý do để "danh chính ngôn thuận” bày tỏ thái độ của mình. Vấn đề đặt ra là, những tranh cãi trên sẽ tiếp tục đẩy mọi việc đi đến đâu?

Hiện câu hỏi chưa đó câu trả lời, song thực tế cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng căng thẳng mới, tác động tiêu cực không chỉ đến quan hệ liên Triều mà còn ảnh hưởng đến tình hình khu vực Đông Bắc Á, nếu các bên tiếp tục "nắn gân” nhau bằng lời nói và hành động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên