Cuộc tranh giành quyền lực ở Ai Cập chưa có hồi kết
(VOV) - Việc xem xét thông qua dự án luật tư pháp đã dẫn đến sự tranh cãi giữa giới tư pháp và Thượng viện Ai Cập.
Trong thông điệp trên truyền hình nhân ngày Quốc tế Lao động tối 30/4, Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi khẳng định tôn trọng sự độc lập của giới tư pháp, đồng thời bày tỏ sự đánh giá cao đối với vai trò của giới tư pháp trong xã hội Ai Cập.
Tuyên bố của Tổng thống Mursi đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ủy ban trù bị Hội nghị Công lí kết thúc cuộc họp đầu tiên nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị. Cuộc họp được tiến hành dưới sự bảo trợ của Tổng thống Ai Cập Mursi, người vừa có cuộc gặp đặc biệt với các thẩm phán hàng đầu tại Ai Cập hai ngày trước đó.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp, lãnh đạo giới tư pháp Ai Cập khẳng định, Hội nghị Công lí cần được tổ chức tại Trụ sở Tòa án Tối cao và Tổng thống Mursi cần tới thăm Tòa án Tối cao để thể hiện sự tôn trọng đối với cơ quan công lí này. Lãnh đạo giới tư pháp Ai Cập đồng thời nhắc lại quan điểm phản đối mạnh mẽ của mình trước việc Hội đồng Tư vấn quốc gia (Thượng viện) thảo luận dự án luật Tư pháp do đảng Trung dung, một đảng Hồi giáo ôn hòa đệ trình.
Chủ tịch Câu lạc bộ các thẩm phán Ai Cập, thẩm phán Ahmed Azzanad nêu rõ: "Chúng tôi cực lực phản đối các dự án luật tư pháp này và một lần nữa muốn nói rõ với Hội đồng Tư vấn quốc gia rằng, mọi động thái liên quan đến luật tư pháp, bất kể là sửa đổi hay xây dựng luật mới, đều phải do các thẩm phán quyết định".
Về phần mình, các thượng nghị sỹ thuộc Hội đồng Tư vấn quốc gia trong đó Tổ chức Anh em Hồi giáo chiếm đa số, nói rằng, Hội đồng này có quyền được thảo luận và thông qua các dự án luật được đệ trình theo quy định của Hiến pháp. Thượng nghị sỹ Tahih Abdu Al Muhsen, tác giả của dự án luật Tư pháp gây tranh cãi, khẳng định: "Chúng tôi thi hành quyền của chúng tôi theo hiến pháp và không khiêu khích bất kỳ ai. Chúng tôi sẵn sàng xem xét và thảo luận bất kỳ dự án luật nào được đệ trình, không phân biệt người đệ trình. Bởi vậy, đối với dự án luật tư pháp, chúng tôi tiếp tục chờ đợi để xem xét và thông qua".
Theo đánh giá của giới phân tích, cuộc tranh giành quyền lực giữa các cơ quan quyền lực tại Ai Cập vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc và kết quả vẫn rất khó đoán định, cho dù bộ máy tư pháp dường như đang chiếm được lợi thế nhiều hơn, ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn của phe đối lập và công chúng Ai Cập./.