Cựu Đại sứ Ấn Độ: Căng thẳng biên giới Trung - Ấn không thể giải quyết “một sớm một chiều”
VOV.VN - Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc không thể giải quyết trong thời gian ngắn, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc cho hay.
"Đây là thực tế mà hai người khổng lồ châu Á đang đối mặt ở dãy Himalaya và thực tế là biên giới chung giữa 2 quốc gia chưa bao giờ thực sự được hai bên giải quyết ổn thỏa với nhau", Nirupama Rao, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc từ năm 2006 - 2009 nhận định.
“Mặc dù cả hai bên đều nỗ lực hết sức để giải quyết những tranh chấp trong hàng thập kỷ qua nhưng lập trường của cả Bắc Kinh và New Delhi đang ngày càng trở nên cứng rắn và ít linh động hơn", cựu quan chức ngoại giao nhận định với CNBC ngày 2/11.
Căng thẳng biên giới gần đây nhất giữa 2 nước xảy ra cách đây 17 tháng sau một cuộc đụng độ đẫm máu ở dãy Himalaya. Cuộc đụng độ vào tháng 6/2020 ở Thung lũng Galwan tại Ladakh đã khiến 20 binh lính Ấn Độ và 4 binh lính Trung Quốc thiệt mạng.
Ấn Độ và Trung Quốc kể từ đó đã tiến hành nhiều vòng đàm phán quân sự nhằm cố gắng giải quyết tranh chấp này.
Dù vậy, truyền thông địa phương cho biết, vòng đàm phán gần đây nhất giữa các chỉ huy quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc vào tháng trước đã sụp đổ và hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Ấn Độ và Trung Quốc đã trải qua 12 vòng đàm phán kể từ cuộc xung đột vào tháng 6/2020.
Hồi tháng 8/2021, hai nước đã nhất trí ngừng chiến đấu ở Gogra - một trong những điểm va chạm dọc biên giới, rút quân về các căn cứ thường trực và dỡ bỏ tất cả các cơ sở tạm thời được xây dựng tại khu vực này. Trước đó, vào tháng 2/2021, Ấn Độ và Trung Quốc cũng rút quân và vũ khí khỏi một khu vực giao tranh khác là Hồ Pangong.
"Có những lực lượng ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc ở hai bên đang cạnh tranh với nhau. Tôi không nhận thấy bất kỳ sự lùi bước nào để hai nước đi đến thỏa hiệp và hòa giải. Dĩ nhiên, thực tế không hay này là điều mà chúng ta phải đối mặt", bà Rao đánh giá.
Trong khi New Delhi và Bắc Kinh kêu gọi đối thoại và ngừng giao tranh để chấm dứt xung đột thì những hành động của họ hầu như không có ý nghĩa gì để xoa dịu mối lo ngại căng thẳng leo thang.
Chẳng hạn, Bắc Kinh đã thực thi một luật mới có hiệu lực vào tháng 6/2022 mà theo đó, nước này sẽ chống lại bất kỳ hành động nào làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ và biên giới trên đất liền.
Ấn Độ cho rằng, "quyết định đơn phương" của Trung Quốc là mối lo ngại với New Delhi. Người phát ngôn chính phủ Ấn Độ chỉ ra rằng, hai bên vẫn chưa "giải quyết được vấn đề biên giới". Về phần mình, Ấn Độ cũng đã thử tên lửa mà các chuyên gia an ninh cho là nhằm gửi đi một dấu hiệu cảnh báo với Trung Quốc./.