Cyprus chính thức nhận được thỏa thuận cứu trợ của Eurozone

(VOV) - Cyprus là quốc gia thứ 5 yêu cầu sự giúp đỡ tài chính của Eurozone nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ kể từ năm 2010.

Các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày 16/3 đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 10 tỉ euro dành cho Cộng hòa Cyprus nhằm cứu nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, đổi lại Cyprus sẽ phải thực hiện các cam kết tăng thuế của mình.

Sau gần 10 giờ đàm phán, các Bộ trưởng tài chính thuộc khối tiền tệ euro đã nhất trí về gói cứu trợ trị giá 10 tỉ euro, nhỏ hơn so với con số dự kiến ban đầu là 17 tỉ euro. (trong ảnh cờ của EU và Cyprus, nguồn: Reuters)

Cyprus là quốc gia thứ 5 sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha yêu cầu sự giúp đỡ tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ kể từ năm 2010.

Sau gần 10 giờ đàm phán, các Bộ trưởng tài chính thuộc khối tiền tệ euro đã nhất trí về gói cứu trợ trị giá 10 tỉ euro, nhỏ hơn so với con số dự kiến ban đầu là 17 tỉ euro, chủ yếu nhằm tái cấp vốn cho các ngân hàng của quốc đảo Địa Trung Hải, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tái cơ cấu nợ tại Hy Lạp hồi năm ngoái.

Sự hỗ trợ dành cho Cyprus được các Bộ trưởng tài chính châu Âu cho là nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính tại Cyprus nói riêng và khu vực này nói chung. Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho biết, thể chế tài chính này đang xem xét mức đóng góp cụ thể trong chương trình cứu trợ. Bà nói: “Tôi sẽ đề xuất với Ban điều hành của IMF về sự đóng góp của Quỹ trong chương trình cứu trợ dánh cho Cyprus. Khoản đóng góp này hiện chưa được xác định cụ thể và sẽ phải mất thêm thời gian để thông qua việc này”.

Ngoài ra, Nga cũng có thể đóng góp vào chương trình cho vay khẩn cấp này bằng cách mở rộng khoản cho vay lên tới 2,5 tỉ euro dành cho Cyprus thêm 5 năm, đến năm 2021, đồng thời Nga cũng có thể giảm lãi suất đối với các khoản vay này, hiện đang ở mức 4,5%.

Theo chương trình cho vay khẩn cấp, Cộng hòa Cyprus nhất trí tăng mức thuế suất danh nghĩa của công ty thêm 2,5% lên mức 12,5%. Ngoài ra Cyprus cũng sẽ áp đặt mức thuế 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại các ngân hàng của nước này và mức thuế 6,75% đối với các khoản tiền gửi nhỏ hơn.

Thỏa thuận này cũng bao gồm việc đánh thuế đối với lãi suất tiền gửi ngân hàng nhằm đảm bảo những người gửi tiền cùng chia sẻ gánh nặng cứu trợ. Theo các quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu, chính quyền Cyprus cũng đã tiến hành một số biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo các khoản thuế thu được từ lãi suất tiền gửi, tránh nguy cơ người gửi tiền ồ ạt rút tiền do lo ngại bị áp thuế.

Ông Jeroen Dijsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, người giữ chức chủ tịch nhóm các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu cho biết: “Qui mô của lĩnh vực ngân hàng tại Cyprus là quá lớn so với lĩnh vực ngân hàng ở các nước khác mà chúng tôi đã tiến hành chương trình cứu trợ. Do đó, tại Cyprus chúng ta cần một chương trình cứu trợ đặc biệt và trong chương trình đặc biệt này, chúng tôi nhận thấy việc người gửi tiền đóng góp nhằm chia sẻ gánh nặng là hoàn toàn hợp lý”.

Các biện pháp tăng thuế được cho là sẽ giúp thúc đẩy doanh thu cho chính phủ Cyprus, hạn chế kích thước của các khoản cho vay cần thiết từ khu vực đồng euro nhằm giữ mức nợ công trong tầm kiểm soát. Theo đó, với chương trình này, tỉ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm Quốc nội của Cyprus sẽ giảm xuống mức 100% từ nay tới năm 2020.

Tháng 6 vừa qua, Cộng hòa Cyprus chính thức xin cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF. Nếu không có các khoản vay khẩn cấp, Cộng hòa Cyprus sẽ vỡ nợ và điều này sẽ đe dọa đến những nỗ lực phục hồi lòng tin ở các nhà đầu tư đối với lĩnh vực tài chính công của khu vực đồng tiền chung châu Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

EU thảo luận về gói cứu trợ cho Cyprus
EU thảo luận về gói cứu trợ cho Cyprus

(VOV) - Tuy nhiên cuộc họp này khó có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng do sự phức tạp của nền kinh tế Cyprus.

EU thảo luận về gói cứu trợ cho Cyprus

EU thảo luận về gói cứu trợ cho Cyprus

(VOV) - Tuy nhiên cuộc họp này khó có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng do sự phức tạp của nền kinh tế Cyprus.