Đặc phái viên Mỹ tới Hàn Quốc - Đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán?
VOV.VN - Hôm nay (19/6), Tân Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, ông Sung Kim đã tới Hàn Quốc, bắt đầu chuyến thăm nhiều ngày tới quốc gia Đông Bắc Á này, với nỗ lực đưa tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên trở lại đúng hướng.
Chuyến thăm diễn ra không lâu sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Hàn, cũng như việc Mỹ hoàn tất chính sách về Triều Tiên.
Ông Sung Kim hôm 19/6 đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Incheon, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc đầu tiên của mình trên cương vị Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên – chức danh mà ông mới đảm nhận vào tháng trước ngay trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Hàn. Tháp tùng ông trong chuyến thăm này còn có Phó Đặc phái viên Jung Pak và đại diện của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.
Dự kiến, ông Sung Kim sẽ có lịch trình làm việc với các quan chức nước chủ nhà Hàn Quốc cũng như giới học giả tại đây, để thảo luận thêm về chính sách mới của Mỹ về Triều Tiên vừa mới được hoàn tất vào tháng 4. Theo kế hoạch, ngày 21/6 tới, ông Sung Kim sẽ có cuộc gặp 3 bên với người đồng cấp Hàn Quốc và đại diện của Nhật Bản để bàn cách phối hợp đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Mục tiêu này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in xác nhận là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay khi 2 người họp thượng đỉnh chưa đầy 1 tháng trước (21/5).
Tổng thống Mỹ từng cho biết: “Hai quốc gia chúng tôi đều sẵn sàng can dự ngoại giao với Triều Tiên, để có được các bước đi thực tế nhằm giảm căng thẳng, tiến tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”
Trong khi, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định: “Nhiệm vụ chung cấp bách nhất mà hai nước chúng ta phải thực hiện là đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.”
Việc bổ nhiệm ông Sung Kim làm Đặc phái viên Mỹ từng được đánh giá là bước đi cụ thể đầu tiên cho những tuyên bố muốn tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Và chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc đang được kỳ vọng là sự khởi đầu mới.
Trước chuyến thăm 2 ngày, phía Triều Tiên cũng đã phát đi tín hiệu mở, để ngỏ khả năng đối thoại cũng như cảnh báo đối đầu với Mỹ. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố, nước này cần chuẩn bị sẵn sàng cho cả khả năng đối thoại và đối đầu, trong đó nhấn mạnh khả năng đối đầu toàn diện để bảo vệ lợi ích, phẩm giá quốc gia, duy trì sự ổn định, hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Triều Tiên không hề phát đi những tín hiệu thù địch thời gian qua, cho thấy khả năng muốn đối thoại của nước này, hoặc ít nhất nước này vẫn đang “thăm dò” sự thiện chí đàm phán của chính quyền mới của Mỹ.
Trong khi đó, Bộ thống nhất Hàn Quốc phản ứng rằng chỉ có đối thoại và hợp tác mới là cách tốt nhất để kiểm soát ổn định tình hình và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị của Đảng Lao động Triều Tiên đã kết thúc trong ngày hôm qua, với điểm đáng chú ý nữa là bầu thêm ông Thae Hyong Chol vào Bộ Chính trị và bầu U Sang Chol làm Ủy viên dự khuyết./.