Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận về tình hình ở Myanmar
VOV.VN - Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 26/2 đã có Phiên họp không chính thức về tình hình ở Myanmar. Đại diện của 8 tổ chức và hơn 50 nước đã phát biểu tại sự kiện.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý cho rằng, những diễn biến hiện nay ở Myanmar có hại cho sự ổn định, phát triển và lợi ích chính đáng của nhân dân Myanmar, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, tiến hành đối thoại hướng tới giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp của Myanmar cũng như nguyện vọng và ý chí của nhân dân Myanmar.
Đại sứ nêu tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ, bảo đảm sự an toàn, tiếp cận nhân đạo và các dịch vụ thiết yếu cho người dân Myanmar, nhất là những người dễ bị tổn thương và bày tỏ, Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì sự phát triển của chính Myanmar, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đại sứ nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar, tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, khẳng định, Việt Nam ủng hộ nỗ lực và vai trò trung gian của Đặc phái viên của Tổng Thư ký về Myanmar, khuyến khích sự phối hợp giữa Đặc phái viên với ASEAN nhằm ổn định tình hình ở Myanmar.
Về vai trò của ASEAN, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định, ASEAN tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Myanmar nhằm mang lại hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, thúc đẩy hòa hợp và hòa giải, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững ở Myanmar. Đại sứ chia sẻ các nỗ lực ASEAN đã và đang thúc đẩy, trong đó có việc Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố về vấn đề này. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN, cho rằng, tất cả các biện pháp phải bổ sung cho nhau nhằm ngăn ngừa nguy cơ bạo lực; bất kỳ biện pháp nào cũng cần được xem xét và đánh giá cẩn trọng, nhất là khi hàng triệu người ở Myanmar đang phải gánh chịu hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19; các cuộc đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin phải đặt con người làm trung tâm./.