Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về AI
VOV.VN - Hôm qua (21/3), Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về việc thúc đẩy các hệ thống Trí tuệ Nhân tạo AI “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy” nhằm mang lại lợi ích phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Nghị quyết mang tính bước ngoặt này do Mỹ soạn thảo và được đồng bảo trợ bởi 123 nước đã được thông qua với sự nhất trí của toàn bộ 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong quá trình thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng công nghệ AI, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và các bên liên quan “kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, hay gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền”.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh, Nghị quyết được thông qua thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm gắn kết của tất cả các quốc gia trong vấn đề này:
“Công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng mang lại nhiều tiến bộ hơn cho con người. Nhưng để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng những lợi ích này và giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng, chúng ta phải tiếp cận công nghệ này với tư cách là một cộng đồng toàn cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong khi đó, Đại sứ Maroc tại Liên Hợp Quốc Omar Hilale đánh giá, việc thông qua Nghị quyết là bước ngoặt trong quá trình sử dụng và kiểm soát rủi ro của nhân loại đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo:
“Nghị quyết này là bước đệm cho các sáng kiến đa phương hiện tại và tương lai về hợp tác kỹ thuật số và đặc biệt là về AI. Bản thân nghị quyết không phải là một mạng lưới bao trùm tất cả các vấn đề. Nhưng việc thông qua nó giúp chúng ta định hình các hệ thống trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia”.
Khác với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng là một thông số quan trọng thể hiện quan điểm của thế giới. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận cao cũng cho thấy nhu cầu “cấp thiết” của các nước trong việc thiết lập một cơ chế chung, mang tính toàn cầu trong việc sử dụng và quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trước đó, trong tháng này Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo. Luật mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới sau khi được các cơ quan lập pháp và lãnh đạo 27 nước thành viên ký thông qua. Còn tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đang thúc đẩy các nhà lập pháp xây dựng hành lang pháp lý về trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói cảnh báo về những rủi ro trong việc sử dụng công nghệ này.