Đảm bảo an ninh cho ASEM 8

Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 8 (ASEM 8) diễn tại Brussels (Bỉ) trong bối cảnh an ninh được xiết chặt.

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Khai mạc Hội nghị ASEM 8

Kể từ những ngày trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 8 (ASEM8), an ninh tại thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ luôn được kiểm soát chặt chẽ. Các đội cảnh sát, an ninh được điều động tăng cường tới những khu vực trung tâm thành phố, những nơi tập trung đông người, những trụ sở quan trọng, nhà ga, quảng trường...

Cờ Việt Nam tung bay tại Brussels  - nơi diễn ra ASEM 8 (Ảnh: AP)

Mọi hiện tượng khả nghi đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Những ô tô, mô tô cảnh sát thường xuyên đi tuần và túc trực tại những khu vực trọng điểm của thành phố, nhất là khu trung tâm Hội nghị-Cung điện Hoàng gia. Đây cũng là khu vực khách du lịch qua lại rất đông đúc.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều thành phố lớn ở châu Âu trở thành mục tiêu của khủng bố, an ninh tại thủ đô Brussels càng được xiết chặt trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao ASEM, với sự có mặt của lãnh đạo các nước châu Á và châu Âu.

Hội nghị ASEM 8, với chủ đề “Chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của người dân”. Tham gia Hội nghị lần này có Lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Ban Thư ký ASEAN, lãnh đạo các nước ở châu Âu và châu Á, trong đó có đoàn đại biểu Việt Nam.

Nội dung chính được thảo luận tại hội nghị lần này là các vấn đề liên quan tới kinh tế như về phát triển kinh tế bền vững, quản trị kinh tế toàn cầu, phát triển thương mại giữa các bên đối tác… Cùng với đó là những vấn đề quốc tế và khu vực như về hợp tác bảo đảm an ninh, hòa bình thế giới, đảm bảo nhân quyền, giải trừ vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa - xã hội giữa châu Á và châu Âu.

Cung điện Hoàng gia Bỉ - nơi diễn ra hội nghị

Từ năm 1996, khi ASEM được thành lập, kinh tế thế giới đã trải qua nhiều thay đổi. Kinh tế nhiều nước, nhất là nhiều nước ở châu Á đi lên, tăng trưởng cao, thể hiện rõ nét qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Và trong những năm gần đây, mặc dù bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, song việc hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nước châu Âu và châu Á vẫn phát triển. Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn của nhiều nước châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo EU tiếp tục tìm cơ hội thúc đẩy hơn nữa về trao đổi thương mại giữa các nước ở hai châu lục, thúc đẩy nhanh hơn quá trình hồi phục kinh tế châu Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên