Đàm phán Brexit lần 4: Anh đã nhượng bộ, bao giờ đến lượt EU?

VOV.VN - Các động thái dồn dập từ các lãnh đạo Anh và EU trước và trong vòng đàm phán Brexit thứ 4 cho thấy, cả hai bên đều không muốn bế tắc kéo dài.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Donald Tusk vừa đích thân đến Anh và hội kiến với Thủ tướng Anh - Theresa May tại số 10 phố Downing. Nếu nói về kết quả cụ thể, thì đó là một cuộc gặp thất bại, như chính lời ông Donald Tusk tuyên bố trước báo giới là “vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào được ghi nhận”.

Tuy nhiên, cuộc gặp này cần được nhìn nhận trong một bối cảnh rộng hơn. Bản thân việc một quan chức cấp cao hàng đầu của châu Âu là Chủ tịch Hội đồng châu Âu sang tận London để hội kiến với Thủ tướng Anh đã là một thông điệp đáng chú ý.

Điều này cho thấy thiện ý của phía châu Âu, là cũng muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán Brexit đang gặp bế tắc, mặc dù vào thời điểm này thì thế thượng phong trong đàm phán vẫn thuộc về phía châu Âu.

Anh và EU trước và trong vòng đàm phán Brexit thứ 4. (Ảnh min họa: KT)
Ngoài ra, cũng cần đặt cuộc gặp giữa ông Tusk và bà May trong tính tiếp diễn của sự kiện. Ông Tusk gặp bà May ở London chỉ vài ngày sau khi bà May có một bài phát biểu rất quan trọng tại thành phố Florence của Italia hôm thứ Sáu (22/9).

Trong bài phát biểu đó, nữ Thủ tướng Anh đã đưa ra khá nhiều đề xuất quan trọng, được xem như là một sự nhượng bộ đáng kể từ phía Anh. Vì thế, việc ông Tusk sang London gặp bà May có thể xem như sự đáp lễ từ phía châu Âu, để gửi đi thông điệp là hai bên đều muốn nỗ lực phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các đàm phán Brexit.

Do đó, dù không có bất cứ kết quả cụ thể nào được đưa ra nhưng về mặt không khí chính trị, thì cuộc gặp giữa ông Tusk và bà May có thể xem là một tín hiệu lạc quan cho Brexit

Bà May đổi giọng

Câu hỏi bây giờ là liệu những bước đi có tính xây dựng mà hai bên vừa thực hiện, có được cụ thể hoá thành các tiến bộ trong vòng đàm phán Brexit thứ 4 đang diễn ra hay không?

Tại Florence tuần trước, bà Theresa May đã có một bài phát biểu cực kỳ quan trọng, thậm chí có thể xem như một bước ngoặt với Brexit. Có 3 điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của bà May.

Một là, bà May tuyên bố nước Anh muốn có một giai đoạn quá độ 2 năm sau tháng 3/2019, tức thời điểm dự kiến Brexit có hiệu lực. Trong 2 năm đó vẫn sẽ đóng góp vào ngân sách của Liên minh châu Âu và nước Anh vẫn sẽ tham gia một cách không điều kiện vào việc duy trì an ninh ở châu Âu.

Hai là, nước Anh có nghĩa vụ trả nợ cho Liên minh châu Âu sau khi rời khối này và cuối cùng, là các toà án của Vương quốc Anh sẽ tôn trọng các thoả thuận sắp tới giữa Anh và Liên minh châu Âu về thẩm quyền phán xử trong các sự vụ liên quan đến quyền của công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh.

Tất cả những tuyên bố này, cả về nội dung lẫn giọng điệu, đều cho thấy, khác hẳn với thái độ cứng rắn hồi đầu năm, chính phủ Anh đang buộc phải thay đổi cách tiếp cận và đưa ra nhiều nhượng bộ.

Điều này cho thấy, một mặt chính phủ Anh ngày càng lo ngại hơn về một tương lai bất định hậu Brexit. Mặt khác, vị thế chính trị suy yếu của chính phủ đảng bảo thủ trong nước sau cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn và sức ép từ thị trường buộc chính phủ của bà May phải thay đổi. Minh chứng là ngay trong hôm thứ Sáu (22/9), hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ chỉ số tín nhiệm của Anh vì bế tắc Brexit.

Những điều này chắc chắn sẽ có tác động đến vòng đàm phán Brexit thứ 4 đang diễn ra. Khi phía Anh đã đưa ra các nhượng bộ đáng kể, thì phía châu Âu chắc chắn cũng không thể mãi cứng rắn mà có thể cũng sẽ có các nhượng bộ, dù ở mức độ thấp hơn.

Các nhượng bộ này chủ yếu sẽ liên quan đến 2 chủ đề lớn: Một là hoá đơn mà Anh phải thanh toán cho EU khi rời đi. Trong khi phía châu Âu ước tính con số phải trên 60 tỷ euro thì báo chí Anh thông tin là chính phủ Anh chỉ muốn trả chừng 20 tỷ euro.

Tiếp theo là vấn đề biên giới Bắc Ailen, vốn là một chủ đề cực kỳ phức tạp vì tính chất chính trị và an ninh. Hoặc có thể, phía châu Âu sẽ nới lỏng quan điểm, và chấp nhận đàm phán quan hệ tương lai cùng lúc với đàm phán chia tay, theo yêu cầu từ phía Anh.

Anh đã hết mập mờ?

Trong các phân tích về Brexit từ hơn 1 năm qua, có một điểm mà hầu như đa số giới quan sát chính trị ở châu Âu đều đồng tình, đó là việc chuẩn bị hồ sơ đàm phán từ phía Vương quốc Anh không tốt, thậm chí có thể nói là tương đối sơ sài.

Mặc dù phía châu Âu luôn đánh giá các nhà đàm phán của Anh là cực kỳ xuất sắc và lão luyện, nhưng việc thiếu chuẩn bị này có lẽ xuất phát từ nguyên nhân khách quan của chính trường Anh, từ việc thay đổi chính phủ sau Brexit, đến mâu thuẫn nội bộ trong Đảng Bảo thủ và mới nhất là cuộc bầu cử trước thời hạn khiến tương quan trên chính trường Anh thay đổi…

Những điều này cộng thêm cú sốc về tâm lý khiến chính phủ Anh dường như chưa định hình được một chiến lược cụ thể về Brexit, cho đến tận cách đây vài tháng. Cần nhắc lại rằng, trưng cầu dân ý về Brexit diễn ra trong tháng 6/2016 nhưng phải đến tháng 3/2017, tức là 9 tháng sau, chính phủ Anh mới công bố chiến lược về Brexit, trong đó nêu phía Anh muốn đạt mục tiêu gì và với lộ trình ra sao.

Báo chí châu Âu từng nhiều lần mô tả là trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh là ông David Davis từng không ít lần đi tay không đến các cuộc đàm phán. Trong khi phía châu Âu trái ngược hoàn toàn, với sự chuẩn bị của ông Michel Barnier của Liên minh châu Âu.

Đó là chưa kể từ tháng 3/2017 đến nay, ngay cả bản chiến lược được Thủ tướng Theresa May công bố khi đó, ban đầu được đánh giá là hoàn toàn theo quan điểm “Brexit” cứng cũng đã thay đổi nhiều, khi các cân nhắc chính trị và hoàn cảnh kinh tế buộc phía Anh phải nhượng bộ, dịu giọng hơn và gần như lại ngả hoàn toàn theo hướng “Brexit mềm”.

Điều này giải thích cho việc tại sao phía Anh luôn khó đưa ra các đề xuất cụ thể và thường xuyên phải điều chỉnh thái độ, minh chứng rõ nhất là bài phát biểu của bà May ở Florence.

Tất nhiên còn lí do cuối cùng, đó là việc trì hoãn này có thể cũng là một phần trong chiến lược đàm phán của phía Anh, cụ thể là dùng vấn đề trả nợ cho EU làm “con tin” trong đòi hỏi phía EU phải bàn về thoả thuận kinh tế tương lai.

Trong trường hợp này, các nhà đàm phán Anh đã chủ đích kéo dài sự mập mờ để tìm kiếm các lá bài có lợi hơn trong việc mặc cả với Liên minh châu Âu.

Chờ châu Âu bớt cứng rắn

Hiện tại đã là cuối tháng 9, theo kế hoạch thì Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh còn chưa đầy 18 tháng nữa để hoàn tất cuộc đàm phán Brexit, dự định vào tháng 3/2019. Hầu như đa số nhà phân tích đều cho rằng nếu giữ tốc độ tiến triển chậm như hiện nay thì cái mốc tháng 3/2019 là hoàn toàn bất khả thi.

Đó có thể là lí do bà Theresa May vừa đưa ra một loạt các nhượng bộ cho phía châu Âu và đổi lại, chắc chắn phía châu Âu cũng phải có các nhượng bộ. Điều phía Anh mong muốn nhất lúc này là hai bên tiến hành đàm phán cả về quan hệ kinh tế tương lai, song song với các đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu.

Cho đến thời điểm này, phía châu Âu vẫn giữ quan điểm rất cứng rắn, đó là phải chia tay xong thì mới bàn đến tương lai. Nhưng các mặc cả chính trị luôn có thể thay đổi rất nhanh, châu Âu cũng không được lợi gì nếu đàm phán Brexit đổ vỡ, nước Anh cắt đứt các quan hệ kinh tế với châu Âu, bởi trước sau thì Vương quốc Anh không chỉ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn là một cường quốc quân sự, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường an ninh tại châu Âu.

Vì thế, có thể 27 nước châu Âu cũng sẽ phải đưa ra các nhượng bộ nhất định, tức là bắt đầu đàm phán từng phần nhỏ của quan hệ kinh tế - thương mại tương lai với nước Anh ngay từ bây giờ, chứ không thể chờ đến khi mọi đàm phán về Brexit hoàn tất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Anh đề xuất hiệp ước an ninh mới với EU hậu Brexit
Anh đề xuất hiệp ước an ninh mới với EU hậu Brexit

VOV.VN - Chính phủ Anh ngày 18/9 đề xuất ký một hiệp ước an ninh mới với Liên minh châu Âu (EU) sau khi chính thức rời khỏi khối này.

Anh đề xuất hiệp ước an ninh mới với EU hậu Brexit

Anh đề xuất hiệp ước an ninh mới với EU hậu Brexit

VOV.VN - Chính phủ Anh ngày 18/9 đề xuất ký một hiệp ước an ninh mới với Liên minh châu Âu (EU) sau khi chính thức rời khỏi khối này.

Anh khẳng định không có chia rẽ nội bộ về kế hoạch Brexit
Anh khẳng định không có chia rẽ nội bộ về kế hoạch Brexit

VOV.VN - Chính phủ Anh bao gồm cả Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cùng các thành viên trong Nội các, đoàn kết và ủng hộ kế hoạch của Chính phủ về Brexit.

Anh khẳng định không có chia rẽ nội bộ về kế hoạch Brexit

Anh khẳng định không có chia rẽ nội bộ về kế hoạch Brexit

VOV.VN - Chính phủ Anh bao gồm cả Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cùng các thành viên trong Nội các, đoàn kết và ủng hộ kế hoạch của Chính phủ về Brexit.

Nội bộ lục đục, Anh có thất thế trên bàn đàm phán với EU về Brexit?
Nội bộ lục đục, Anh có thất thế trên bàn đàm phán với EU về Brexit?

VOV.VN - Giữa lúc các cuộc đàm phán về Brexit bước vào giai đoạn quyết liệt, thì tại Anh, cuộc tranh cãi giữa “Brexit cứng” hay “Brexit mềm” lại nổi lên.

Nội bộ lục đục, Anh có thất thế trên bàn đàm phán với EU về Brexit?

Nội bộ lục đục, Anh có thất thế trên bàn đàm phán với EU về Brexit?

VOV.VN - Giữa lúc các cuộc đàm phán về Brexit bước vào giai đoạn quyết liệt, thì tại Anh, cuộc tranh cãi giữa “Brexit cứng” hay “Brexit mềm” lại nổi lên.