Đàm phán hạt nhân IAEA - Iran chưa có kết quả
(VOV) - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế kỳ vọng Tehran sẽ cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận khu quân sự Parchin.
Ngày 17/1, đàm phán hạt nhân tại thủ đô Tehran giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran đã bước sang ngày thứ 2, với hy vọng hai bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận đã được tìm kiếm từ lâu nhằm làm sáng tỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia hồi giáo này.
Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Herman Nackaerts dẫn đầu một phái đoàn gồm 8 chuyên gia hôm 16/1 đã kết thúc buổi làm việc đầu tiên với các quan chức Iran nhằm giải quyết những bất đồng tồn tại lâu nay trong vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, không có bất cứ kết quả cụ thể nào được thông báo trong ngày họp đầu tiên này. Tại vòng đàm phán lần này, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế kỳ vọng Tehran sẽ “bật đèn xanh”, cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận khu quân sự Parchin vốn bị phương Tây nghi ngờ là được sử dụng phục vụ mục đích chế tạo hạt nhân hàm lượng cao.
Ông Nackaerts (ảnh: TheHindu) |
Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế Herman Nackaerts bày tỏ hy vọng Iran sẽ hợp tác với phái đoàn của IAEA trên tinh thần "xây dựng" trong vòng đàm phán lần này.
Ông Nackaerts dẫn lời Tổng giám đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế Yukiya Amano cho biết hai bên đang tiến tới các cuộc đàm phán trên tinh thần xây dựng. “Chúng tôi tin tưởng rằng, trong vòng đàm phán lần này cũng vậy, Iran sẽ hợp tác tích cực với chúng tôi trên tinh thần xây dựng”, ông nói.
Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho biết, trong vòng đàm phán mới này, Tehran hy vọng đạt được một thỏa thuận toàn diện với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, nhưng việc này sẽ chỉ khả thi khi cơ quan này công nhận "quyền hạt nhân" của Iran.
Phía Iran cũng cho rằng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và Iran nên tiến tới một thỏa thuận khung trước khi các thanh sát viên quốc tế thực hiện bất kỳ chuyến thăm nào tới khu quân sự Parchin của Iran. Theo các quan chức Iran, kế hoạch cho phép các quan chức của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thanh sát Parchin chưa thể được thực hiện nếu hai bên chưa nhất trí được cách thức tiến hành điều tra.
Cho tới nay, Iran vẫn luôn bác bỏ những cáo buộc cho rằng, nước này đang tìm cách dọn dẹp các dấu vết tại Parchin trước khi cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế thanh sát và khẳng định Parchin là một cơ sở hạt nhân thông thường.
Theo các chuyên gia phân tích, sẽ rất khó có tiến triển về yêu cầu tiếp cận khu quân sự Parchin của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế trong vòng đàm phán lần này. Tuần trước, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế Yukia Amano cũng bày tỏ khá thận trọng về những triển vọng của các cuộc đàm phán lần này.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cùng với Đức) hiện đang lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, các nhà phân tích và ngoại giao nhận định, vẫn còn cơ hội để các cường quốc thúc đẩy nỗ lực ngoại giao cùng với Iran tìm ra một giải pháp giải quyết những bất đồng trong vấn đề hạt nhân sau khi Tổng thống Mỹ Obama tái đắc cử./.