Đàm phán hạt nhân Iran: Tích cực nhưng chưa có kết quả
VOV.VN - Cuộc đàm phán của Nhóm P5+1 và Iran về hạt nhân của Tehran được các bên đánh giá là chưa mang lại kết quả thực chất.
Vòng đàm phán trong hai ngày 15-16/10 tại Geneva, Thụy Sỹ lần này có sự chứng kiến của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Mohammad-Javad Zarif.
Ngoại trưởng Zarif cho biết, tại cuộc đàm phán này, Tehran đưa ra đề xuất có tựa đề “Khép lại cuộc khủng hoảng không cần thiết và mở ra chân trời mới”gồm 3 bước, tiến tới giải quyết bế tắc xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran trong vòng 1 năm.
Đại diện nhóm P5+1 và Iran tại cuộc đàm phán ở Geneva (Ảnh Reuters) |
Ông Zarif hy vọng vòng đàm phán mới sẽ phác thảo ra "lộ trình" cho các cuộc đàm phán cấp cao hơn, đồng thời khẳng định bước đi đầu tiên có thể được thực hiện trong vòng "một, hai tháng hoặc ít hơn".
Về phần mình, bà Ashton cho biết các bên liên quan đến dự vòng đàm phán mới với thái độ lạc quan một cách thận trọng nhưng với quyết tâm thật sự, đồng thời bày tỏ hy vọng vòng đàm phán sẽ mở cơ hội để thảo luận các chi tiết và thăm dò các khả năng.
Sau ngày đầu cuộc đàm phán hôm 15/10, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cũng cho biết, các cường quốc đã có phản ứng ban đầu “rất tốt” đối với các đề xuất của Iran nhằm giảm bớt tranh chấp liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Theo ông Araqchi, không khí của cuộc thảo luận khá “tích cực”: “Chúng tôi rất nghiêm túc, có mặt ở đây không phải để tượng trưng, không ở đây để lãng phí thời gian mà muốn tiến hành các cuộc đàm phán nhằm đạt được mục tiêu thực sự. Chúng tôi tin tưởng kế hoạch mà chúng tôi đề xuất có nhiều khả năng được chấp thuận”.
Không khí tích cực đó còn được thể hiện trong cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Iran bên lề cuộc đàm phán. Theo một nguồn tin từ Bộ ngoại giao Mỹ, cuộc gặp giữa Mỹ và Iran diễn ra trong vòng 1h đồng hồ. Mặc dù thông tin chi tiết của cuộc gặp không được tiết lộ song được đánh giá là khá hữu ích. Các nhà quan sát nhận định, cuộc gặp đã chứng tỏ Mỹ và Iran đều đã sẵn sàng lắng nghe quan điểm của nhau.
Phản ứng trước cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đang diễn ra, Trung Quốc kêu gọi các bên có liên quan hãy tận dụng vòng đàm phán mới này để tìm kiếm các giải pháp thực tế cho vấn đề hạt nhân Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có liên quan tăng cường nỗ lực, giải quyết sự khác biệt, tìm kiếm các giải pháp thực tế và khả thi, để vòng đàm phán mới này đạt được sự tiến bộ đáng kể.”
Tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran ngừng trệ từ sau vòng đàm phán hồi tháng 4 vừa qua ở Kazakhstan, khi Iran từ chối hạn chế một số hoạt động làm giàu urani nhạy cảm để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Sau khi lên nắm quyền tháng 8 vừa qua. Tổng thống Iran Hassan Rowhani cam kết đảm bảo sự minh bạch về chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại các nước phương Tây cũng cần hủy bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Iran.
Nếu cuộc đàm phán lần này diễn ra thuận lợi, Mỹ và phương Tây sẽ để ngỏ khả năng xem xét việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm đáp ứng bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Iran. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, hai bên khó đạt bước khai thông lớn trong vòng đàm phán lần này do Iran vẫn cương quyết từ chối đưa kho dự trữ urani được làm giàu ra nước ngoài.
Với một chủ đề gai góc, tồn tại hàng chục năm nay như chương trình hạt nhân của Iran, không dễ để có được bước tiến mang tính đột phá. Cả Iran và Mỹ, hai nước chủ chốt nhất tại các cuộc đàm phán, hiện đều phải đối mặt với những thách thức từ nội bộ.
Đại giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei cho biết, ông không phản đối các cuộc hội đàm trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân, nhưng cũng không lạc quan với tiến trình này. Ở phía bên kia, trong Quốc hội Mỹ cũng xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối việc “mềm hóa” quan hệ với Iran. Do vậy, vòng đàm phán tại Geneva là cơ hội tốt đối với cả Iran và phương Tây, nhưng nó chưa đủ lực để “phá băng” căng thẳng quan hệ giữa hai bên./.