Đàm phán hạt nhân Iran vượt quá thời hạn - Mỹ đe dọa bỏ cuộc
VOV.VN - Phía Mỹ tuyên bố nếu không đạt được thỏa thuận khung thì họ cũng sẽ không chờ tới ngày 30/6 nữa.
Iran và 6 cường quốc đã đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran qua cả thời hạn chót ngày 31/3. Cuộc đàm phán kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ sang đầu ngày 1/4, với nỗ lực cho ra một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Tehran trong bối cảnh Mỹ đe dọa rời bỏ các cuộc đàm phán này.
Cuộc thương thuyết ở thành phố Lausanne của Thụy Sĩ đã bước sang ngày thứ 7, tiến triển chậm trong các nội dung về nghiên cứu hạt nhân, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và khôi phục lại các chế tài này nếu Iran vi phạm thỏa thuận.
Sáu cường quốc bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đều đặt mục tiêu ngăn Iran xây dựng năng lực phát triển bom hạt nhân để đổi lại việc quốc tế nới lỏng các trừng phạt hiện đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Iran.
Thỏa thuận chính trị khung này nhằm đặt cơ sở cho một giải pháp dứt điểm đối với tranh cãi hạt nhân Iran vào ngày 30/6.
Nhà đàm phán của Iran, Hamid Baidinejad, nói với phóng viên: “Iran không muốn có một thỏa thuận chỉ để có thỏa thuận. Một thỏa thuận cuối cùng cần bảo đảm các quyền hạt nhân của quốc gia Iran”.
Trong khi đó phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố ở Washington rằng các nhà đàm phán Mỹ nếu không thể đạt một thỏa thuận chính trị sơ bộ thì họ sẽ không chờ tới ngày 30/6 mới rời bỏ bàn đàm phán.
Nguồn tin từ một phái đoàn của Đức cho biết “khả năng thành công vẫn để ngỏ, và còn quá sớm để nghĩ đến chuyện dừng đồng hồ”.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói với phóng viên ở Lausanne: “Chúng tôi đang tiến về phía trước, nhưng việc đàm phán này rất phức tạp”.
Nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết thà không có thỏa thuận còn hơn có một thỏa thuận tệ./.