Đàm phán Israel - Palestine: Sự khởi đầu tích cực

Ngày 2/9, tại Washington, Israel và Palestine bắt đầu nối lại đàm phán trực tiếp dưới sự bảo trợ của Mỹ. Đặc biệt, cuộc đàm phán lần này có sự tham dự của Tổng thống Ai Cập và Quốc vương Jordan.  

>> Hướng đi mới trong vấn đề Israel- Palestine

Ai Cập và Jordan cũng là hai nước Arab duy nhất đã ký thoả thuận hoà bình với Israel. Trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, nhiều người dân Arab cho rằng đây là một bước tiến tích cực, nhưng cũng nhiều người không mấy kỳ vọng.

Ông Attia, một người dân Ai Cập khẳng định: “Đây là một bước tiến tích cực trong lịch sử nhằm tạo dựng hoà bình. Tôi mong muốn Mỹ, Liên minh châu Âu hỗ trợ tích cực cho cuộc đàm phán này. Các nước Arab cũng muốn giải quyết vấn đề trên bởi đây là vấn đề cơ bản của Trung Đông. Tôi mong muốn cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine ở Washington sẽ thành công nhưng thực tế thì khó thành. Tôi dự đoán đàm phán thành công khoảng 20%”.

Cuộc đàm phán được thực hiện khi mà nội bộ Palestine vẫn bất đồng. Phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza cực lực phản đối cuộc đàm phán này. Người phát ngôn của Phong trào Hamas Sami Abu Zuhri cho rằng: “Palestine vẫn bị chia cắt. Israel vẫn tiếp tục chiếm đóng và thực hiện các tội ác. Vì vậy, không thể tiến hành đàm phán trực tiếp giữa Israel và chính quyền Palestine, Phong trào Fatah hay bất kỳ phong trào nào”.

Cũng tại Gaza, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình cuộc đàm phán trực tiếp này. Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ ‘không  đàm phán với Israel”.

Một nhà nghiên cứu chính trị ở Palestine cho rằng: “Chính phủ Idrael luôn chống lại Palestine. Họ không muốn hoà bình bởi vì bất kỳ đề xuất nào của chính quyền và lãnh đạo Palestine đều bị Israel bác bỏ hoặc có hành động phản ứng”.

Trong khi đó, một số người dân Jordan tin tưởng vào cuộc đàm phán và mong muốn sẽ dỡ bỏ phong toả Gaza cũng như tiến tới xây dựng Nhà nước Palestine độc lập. Một số ý kiến cũng cho rằng, Israel cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của đàm phán.

Dù vẫn còn nhiều bất đồng trong các vấn đề trước khi ngồi vào bàn đàm phán, nhưng việc Israel và Palestine nối lại đàm phán trực tiếp với sự tham dự của Mỹ, Ai Cập và Jordan cũng được dư luận hoan nghênh. Có thể cuộc đàm phán không thành công như mong đợi, nhưng đây là bước khởi đầu tích cực vì một Trung Đông hoà bình, ổn định và phát triển./.                             

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên