Đàm phán ngừng bắn giải quyết xung đột ở Dải Gaza có tiến triển
VOV.VN - Israel gần đây đã đưa ra một số nhượng bộ đáng chú ý, làm dấy lên hy vọng về những tiến triển đột phá trong tiến trình hòa bình đầy chông gai nhằm giải quyết xung đột tại Gaza. Tuy nhiên, vụ tấn công mới nhất của Israel vào nhà thờ Công giáo duy nhất ở Gaza đã khiến nỗ lực hòa đàm một lần nữa gặp trở ngại.
Dù chưa có khung thời gian cụ thể, song các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Hamas và Israel vẫn đang được xúc tiến tại Doha. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, ông Majed bin Mohammed Al Ansari vừa nhấn mạnh, một khi các bên liên quan đạt được đồng thuận về khuôn khổ thỏa thuận, các cuộc đàm phán sẽ bước vào giai đoạn hai, với mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, các cuộc đàm phán sẽ chuyển sang giai đoạn ba, trong đó các bên sẽ đàm phán về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza.

Mặc dù ông Ansari không tiết lộ chi tiết cụ thể về tiến độ đàm phán, song khẳng định hiện "không có bế tắc": "Chúng tôi đang cố gắng đưa ra những ý tưởng sáng tạo để thu hẹp khoảng cách khi đối mặt với nhiều vấn đề gây tranh cãi, các vấn đề nhạy cảm trong các cuộc đàm phán, nhằm đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc, sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán gián tiếp sắp tới. Vì vậy, tôi sẽ không gắn khung thời gian đàm phán với bất kỳ lập trường chính trị nào của bất kỳ bên nào".
Hãng truyền thông Israel The Jerusalem Post đưa tin, vòng đàm phán mới nhất được tổ chức tại Doha giữa phía Israel và các bên trung gian - Qatar và Ai Cập - hướng tới lệnh ngừng bắn ở Gaza đã đạt được "tiến triển đáng kể". Theo đó, phái đoàn Israel đã trình bày một kế hoạch mới về việc rút quân khỏi Gaza trong cuộc họp với phái đoàn Qatar và Ai Cập.
Israel đưa ra nhiều nhượng bộ hơn, bao gồm cả việc rút toàn bộ quân khỏi Hành lang Morag ở phía nam Gaza trong thời gian ngừng bắn 60 ngày theo đề xuất. Các nhà hòa giải tin rằng, kế hoạch mới có thể thúc đẩy cơ hội đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó, trọng tâm của các cuộc đàm phán là lực lượng còn lại của Israel tại khu vực Rafah.
Cũng theo giới truyền thông Ả Rập, Israel đã đệ trình các bản đồ mới, trong đó thể hiện sự thay đổi đáng kể về vị trí đóng quân. Thay vì duy trì sự hiện diện quân sự sâu tới 2 km dọc theo ranh giới Gaza và các trục giao thông chiến lược, Israel hiện đề xuất giảm độ sâu này xuống còn tối đa 1,2 km ở Hành lang Philadelphi (biên giới phía Nam) và 1,1 km ở các khu vực biên giới phía Bắc và phía Đông. Đây được xem là một nhượng bộ lớn, gần hơn với yêu cầu của Hamas là rút quân về ranh giới cách Dải Gaza không quá 1 km.
Trước đó, Israel cũng đã thể hiện lập trường đàm phán mềm dẻo hơn trong thỏa thuận con tin. Ban đầu, Israel yêu cầu Hamas thả 11 con tin còn sống. Tuy nhiên, sau các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, Israel đã đồng ý giảm số lượng con tin được yêu cầu xuống còn 8 người còn sống.
Mặc dù các nhượng bộ của Israel đã mang lại một làn gió mới cho tiến trình hòa đàm giữa Israel và Hamas dưới vai trò trung gian của các bên như Ai Cập, Qatar và Mỹ, song vẫn còn nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua. Tình hình nhân đạo tại Gaza vẫn đang ở mức báo động, với nguy cơ nạn đói toàn diện và các bệnh viện dã chiến cận kề thiếu thốn thiết bị y tế. Đáng chú ý, vụ việc nhà thờ Công giáo duy nhất ở Dải Gaza bị trúng đạn pháo trong chiến dịch quân sự của Israel vào ngày hôm qua (17/7) được xem là một hành động đặc biệt nghiêm trọng, làm tăng thêm căng thẳng cũng như suy yếu lòng tin giữa các bên, khiến cho việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn trở nên khó khăn hơn.
Để đạt được nền hòa bình bền vững, hướng tới giải pháp chính trị lâu dài cho khu vực, cộng đồng quốc tế đang đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc đàm phán đang diễn ra, thúc giục các bên tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp toàn diện, đảm bảo an ninh cho cả người Israel và người Palestine, đồng thời chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng trầm trọng tại Gaza.