Dân Mỹ biểu tình rầm rộ phản đối hoạt động giám sát của NSA
VOV.VN - Hàng nghìn người đã tụ tập tại thủ đô Washington để phản đối chương trình giám sát của Cơ quan An Ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Những người tham gia Chiến dịch “Hãy ngừng do thám chúng tôi” đòi hỏi việc cải cách “Khoản 215 của Đạo luật Yêu nước Mỹ, cũng như việc sửa đổi Đạo luật Do thám Tình báo nước ngoài (FISA) để cấm việc do thám bí mật các hoạt động trên Internet, ghi âm cuộc gọi điện thoại của công dân nào tại Mỹ và bất kỳ những vi phạm nào liên quan đến vấn đề này có thể bị đưa ra xét xử công khai”.
Những người biểu tình cũng đòi hỏi thành lập một Ủy ban điều tra chịu trách nhiệm báo cáo về việc giám sát nội địa và thực thi những thay đổi theo luật định. Những người tổ chức chiến dịch này cũng muốn những quan chức dính líu đến vụ nghe lén vi phạm hiến pháp Mỹ này phải chịu trách nhiệm.
Người dân Mỹ tham gia biểu tình (Ảnh Reuters) |
Những người biểu tình giương cao băng rôn có dòng chữ “Cám ơn Snowden” và xếp thành hàng dài tại đồi Capitol để nghe một tuyên bố phát đi từ cựu nhân viên NSA này.
“Ngày hôm nay, không có bất kỳ một cuộc điện thoại nào ở Mỹ mà không bị ghi âm lại bởi NSA, không có bất kỳ một giao dịch trên Internet nào là bên trong hay bên ngoài Mỹ lại không “qua tay” người Mỹ. Các nghị sỹ tại Quốc hội đã nói với chúng ta rằng những hành động đó không phải là do thám nhưng họ đã sai lầm”, tuyên bố trên của Snowden đã được đọc bởi cựu Cố vấn về Đạo đức của Bộ Tư Pháp Mỹ Jesselyn Radack.
“Đây là những hành động vi hiến và vô đạo đức trong các hoạt động giám sát của nhà nước hiện nay và đây là cách mà chúng ta đang làm để nhắc nhở Chính phủ rằng họ cần phải ngừng ngay những hành động này. Chúng ta có quyền được biết, được liên kết với nhau một cách tự do và sống trong một thế giới cởi mở hơn”, vẫn theo tuyên bố của Snowden.
12 thùng lớn có chữ ký của hơn 75.000 người đã được đưa ra trước đám đông biểu tình tại đồi Capitol.
Những chiếc thùng chứa chữ ký của người phản đối hoạt động do thám của NSA (Ảnh RT) |
Glenn Greenwald-phóng viên làm việc với Snowden để cung cấp nhiều hoạt động giám sát của NSA, cũng đã tham gia cuộc biểu tình.
“Việc mọi người lên tiếng cũng như có những hành động tuần hành, biểu tình thể hiện sự phản đối đối với những hành động này của chính quyền là rất quan trọng”, nhà hoạt động chống chiến tranh Richard Becker nhấn mạnh.
“Hành động của mọi người có thể thực sự đem lại sự thay đổi trong các hoạt động giám sát”, ông Becker nói và chỉ rõ rằng “không có bất kỳ một sự thay đổi mạnh mẽ nào” trong lịch sử Mỹ đến từ “bên trong Quốc hội hay tại Nhà Trắng”.
Nghị sỹ Justin Amash tuyên bố với đám đông biểu tình rằng việc trình đạo luật chống lại NSA lên Quốc hội vào tháng 7 là khoảnh khắc đáng tự hào nhất của ông với cương vị là người đại diện của nhân dân.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và chúng tôi sẽ thông qua một số đạo luật để làm thanh sạch NSA”, ông Amash khẳng định và nói thêm rằng “NSA cũng đang cố gắng để “phản đòn”.
Cựu Hạ nghị sỹ Dennis Kucinich của bang Ohio và cựu Thống đốc bang New Mexico Gary Johnson cũng đã tham gia vào cuộc biểu tình chống NSA.
“Chính phủ của chúng ta đã tự cho thêm mình quyền lực mà lẽ ra họ không thể có được”, ông Johnson nói, “Chúng ta phải đứng lên chống lại việc này”.
“Điều cuối cùng mà một xẽ hội tự do và cởi mở cần là một “hàng rào số” quây xung quanh chúng ta”, Drake nói. Ông cũng kêu gọi việc phục hồi Tu chính thứ 4 và nói rằng việc giám sát của NSA “làm dấy lên sự sỡ hãi và hủy hoại sự tự do của chúng ta”.
2 ngày trước cuộc biểu tình, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đăng tải trên YouTube một bài phỏng vấn trong đó Giám đốc NSA và Tướng Tư lệnh CYCOM Keith Alexander đã cố gắng biện hộ cho hoạt động của NSA.
Chỉ có chưa đầy 2% người xem đồng tình với những lý lẽ của ông Alexander về sự cần thiết phải có sự giám sát người dân để có thể bảo đảm an ninh quốc gia.
Một ngày sau khi đoạn video này được phát trên YouTube, trang web của NSA đã bất ngờ bị tê liệt do một vụ tấn công máy chủ DdoS. 12h sau đó thì NSA lại tuyên bố rằng việc trang web bị tê liệt là do 1 vấn đề về kỹ thuật trong khi nâng cấp phần mềm và phủ nhận rằng trang web này đã bị tấn công.
Tiết lộ của Snowden cho thấy NSA không chỉ ghi lại các hoạt động dân sự mà còn khai thác cả những thông tin của các nhà lãnh đạo quốc tế như Tổng thống các nước Mỹ Latin và lãnh đạo các nước châu Âu và thậm chí cả những đồng mình của Mỹ như Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel đã bị NSA lên danh sách theo dõi kể từ năm 2002 theo như tiết lộ mới đây nhất của Snowden.
Chiến dịch "Hãy ngừng do thám chúng tôi” diễn ra sau khi 21 nước bao gồm cả đồng minh của Mỹ là Pháp và Mexico đã tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm thông qua 1 nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án việc do thám này và đảm bảo việc có một cơ quan giám sát độc lập về giám sát điện tử./.