Đảo chính quân sự là bước ngoặt quan trọng trên chính trường Thái Lan

VOV.VN - Đảo chính quân sự không phải là bước đi được nhiều bên đánh giá tích cực và cho rằng tương lai Thái Lan vẫn phải thông qua bầu cử.

Trong một diễn biến bất ngờ, chiều tối 22/5, quân đội Thái Lan đã tuyên bố đảo chính, giành quyền kiểm soát của Chính phủ tạm quyền do quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan đứng đầu bắt đầu từ lúc 16h30’.

Động thái này diễn ra sau khi cuộc đối thoại lần hai giữa quân đội, lãnh đạo Chính phủ và các đảng phái chính trị đối lập kết thúc mà không đem lại kết quả nào. Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan kéo dài nhiều tháng qua với hành loạt các cuộc biểu tình khiến hàng chục người thiệt mạng.  

Thái Lan thắt chặt an ninh sau đảo chính quân sự 

Để cập nhật những diễn biến mới nhất hiện nay tại Thái Lan cũng như những tác động của cuộc đảo chính lên chính trường quốc gia này thời gian tới, BTV Thanh Huyền đã có cuộc trao đổi trực tiếp với nhà báo Xuân Sơn, thường trú tại Thái Lan.

BTV: Thưa anh, trước tiên anh có thể cho biết tình hình tại Thái Lan hiện nay như thế nào sau tuyên bố đảo chính của Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayut Chan-ocha chiều 22/5?

Nhà báo Xuân Sơn: Đại tướng Prayut Chan-ocha là Tư lệnh Lục quân chứ không phải là Tư lệnh Quân đội như một số nguồn tin đã đưa. Trong quân đội Thái Lan, Tư lệnh Lục quân luôn là người có thực quyền nhất và Lục quân cũng là lực lượng chính khi quân đội Thái Lan thực hiện các cuộc đảo chính quân sự từ trước đến nay.

Sau khi tuyên bố đảo chính quân sự, lực lượng làm đảo chính đã thành lập một cơ quan quyền lực cao nhất để điều hành cuộc đảo chính với tên gọi Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia (tiếng Anh là National Peace and Order Maintaining Council ,viết tắt là NPOMC). Cơ quan này dịch ra tiếng Anh thì có nghĩa hơi khác một chút, có thể do lỗi dịch thuật tiếng Anh của lực lượng làm đảo chính.

Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia gồm 6 nhân vật do Đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Lục quân Thái Lan là Chủ tịch. Có 4 Phó Chủ tịch là Tư lệnh Quân đội, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Không quân và cảnh sát Trưởng quốc gia và Phó Tư lệnh Lục quân Udomdeat làm Tổng Thư ký.

Quyết định làm đảo chính được đưa ra cuối giờ chiều 22/5 trong bối cảnh lục quân Thái Lan hôm 20/5 tuyên bố áp dụng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Thái Lan nhằm ngăn chặn một cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng biểu tình ủng hộ và lực lượng biểu tình chống Chính phủ đang đối đầu ở mức căng như dây đàn. Các bên có xu hướng ủng hộ áp dụng thiết quân luật và chấp nhận cuộc họp 7 bên do quân đội Thái Lan đứng ra dàn xếp. 

Trong cuộc họp đầu tiên vào ngày 21/5 gồm đại diện Chính phủ, Thượng viện, Ủy ban bầu cử, đảng cầm quyền Vì nước Thái, đảng đối lập chính Dân chủ, lực lượng biểu tình chống Chính phủ và lực lượng biểu tình ủng hộ Chính phủ đã chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngày 22/5, cuộc gặp lần thứ 2 lại được tổ chức và các bên đã không thể thỏa hiệp được với nhau trong việc tìm kiếm lối thoát cho bế tắc chính trị tại Thái Lan và ngay lập tức, Đại tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố làm đảo chính. Do báo chí không được tham dự toàn bộ cuộc gặp vì vậy những thông tin đáng tin cậy cho thấy, Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia đã tạm giữ đại diện của Chính phủ, đảng cầm quyền Vì nước Thái, đảng đối lập chính Dân chủ, lực lượng biểu tình chống và ủng hộ Chính phủ.

Để nhanh chóng thâu tóm cũng như củng cố quyền lực, Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia đã lần lượt ra các bản tuyên bố quy định từ chiều cho đến rạng sáng 23/5. Trong đó đáng chú ý là bản tuyên bố số 2 và số 1, số 2 yêu cầu các thành viên trong Chính phủ tạm quyền bị lật đổ phải ra trình diện vào 23/5, ngoài ra cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, một số nhân vật làm chính trị trong dòng họ Shinawatra của ông Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck Shinnawatra cũng nằm trong danh sách này.

Bản tuyên bố số 11, hủy bỏ Hiến pháp Thái Lan nhưng giữ lại Chương 2 liên quan đến Hoàng gia. Bản tuyên bố này xóa bỏ Nội các tạm quyền nhưng cho phép Thượng viện, Tòa án và các tổ chức độc lập tiếp tục hoạt động. Bản tuyên bố số 10 trao quyền Thủ tướng và Nội các cho Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia mà ở đây cụ thể là Đại tướng Prayut Chan-ocha Tư lệnh Lục quân, người đứng đầu cuộc đảo chính.

Bản tuyên bố số 16 trao quyền cho các Bí thư thường trực Bộ làm nhiệm vụ như các Thứ/Bộ trưởng, một số bản thông báo khác lệnh cho các tỉnh trưởng và những viên chức cấp cao trong toàn quốc đến trình diện tại 4 khu vực phân cấp theo miền của Thái Lan.

Như vậy là 19 bản thông báo đã lần lượt được công bố từ chiều 22/5 cho đến rạng sáng 23/5 theo giờ Thái Lan và cũng trùng với giờ Việt Nam, đã định hình một cơ chế cầm quyền cũng như những việc quan trọng mà các bên phải thực hiện theo lệnh của Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia.

Một vấn đề không thể không kể đến là tất cả các kênh truyền hình và phát thanh công cộng cũng như vệ tinh tại Thái Lan cả đêm qua đồng loạt dừng chương trình thường lệ, liên tục phát các bản thông báo mới của lực lượng làm đảo chính, trong khi đó 14 kênh truyền hình và nhiều đài phát thanh cộng đồng thân với nhóm biểu tình ủng hộ hoặc chống Chính phủ trước kia đã bị cắt sóng hoàn toàn.

BTV: Phản ứng của các quan chức Chính phủ tạm quyền và người dân Thái Lan đặc biệt là hai phe ủng hộ và chống Chính phủ sau tuyên bố đảo chính như thế nào, thưa anh?

Nhà báo Xuân Sơn: Các quan chức Chính phủ tạm quyền có phản ứng chấp nhận và cam chịu tình hình. Cuộc chơi của họ, những người làm chính trị là phải chấp nhận một cuộc đảo chính, khi mà quân đội không nằm trong tay họ. Đây là cuộc đảo chính lần thứ 19 tại Thái Lan và lịch sử 18 cuộc đảo chính trước đây cho thấy, một khi quân đội đã ra tay làm đảo chính thì bàn cờ đã bị xóa và muốn chơi một ván cờ mới thì phải chấp nhận đăng ký lại.

Tôi cũng từng được chứng kiến cuộc đảo chính quân sự năm 2006 ở Thái Lan, khi đó quân đội lật đổ chế độ của Thủ tướng lúc đó là ông Thaksin Shinawatra, ông trai của bà Yinluck Shinawatra và tôi thấy rằng, ai nắm được quân đội, người đó luôn ở thế thượng phong.

Còn phe chống Chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban thì tất nhiên có thái độ vui mừng ra mặt. Tin đảo chính đến với họ như ruộng hạn trời mưa. Mục tiêu lật đổ Chính phủ do Quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan đứng đầu đã thành công, bà Yingluck phải ra đi sau quyết định bãi nhiệm của tòa án Hiến pháp hôm 7/5.

Trong khi đó, hàng ngàn người Áo Đỏ thuộc Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD) ủng hộ Chính phủ thì lúc đầu có những phản ứng khá mạnh, tuy nhiên trước lực lượng binh sỹ hùng hậu nai nịt vũ khí, họ đành chấp nhận dỡ bỏ lều trại tại khu vực đã cắm trại biểu tình nhiều ngày qua. Hơn thế nữa hiện nay, những lãnh đạo của UDD đang nằm trong vòng kiểm soát của quân đội.

BTV: Sau nhiều lần tuyên bố đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị, song cuối cùng quân đội Thái Lan vẫn tiến hành đảo chính. Theo anh, lý do của quyết định này là gì?

Nhà báo Xuân Sơn: Chứng kiến những gì xẩy ra tại Thái Lan, đặc biệt là trong hơn 6 tháng qua, khi mà các cuộc biểu tình ủng hộ và biểu tình chống Chính phủ đều dâng cao và cả hai đều có những động thái công kích dữ dội quân đội với những mục đích khác nhau, mới thấy lãnh đạo quân đội Thái Lan thời gian vừa qua cũng rất căng thẳng.

Tuy nhiên quân đội Thái Lan là lực lượng trung thành với Hoàng gia Thái Lan và họ phải thực hiện những nghĩa vụ của mình. Đảo chính quân sự không phải là bước đi được nhiều bên đánh giá tích cực khi nhiều bên tại Thái Lan cho rằng, cuối cùng hướng tới nền dân chủ thì cái đích cuối cùng phải là một cuộc bầu cử.

Tuy nhiên tại Thái Lan, hơn 6 tháng qua, người dân đã quá mệt mỏi với các cuộc biểu tình kéo dài, hơn 50 vụ việc đánh bom, xả súng bừa bãi lẫn nhau cũng như các vụ xung đột làm 30 người chết và hơn 800 người bị thương tại Thủ đô Bangkok đã làm nhiều người dân cảm thấy mệt mỏi. Trong khi đó, giới chính trị các bên đều nhất quyết không chịu lùi bước.

Vì vậy phía quân đội Thái Lan cho rằng, để giải quyết tình hình bạo loạn tràn lan không thể kiểm soát, đem lại trật tự an toàn xã hội thì xã hội phải nằm dưới sự kiểm soát của quân đội và định hình lại những cơ cấu mới thì mới giải quyết được vấn đề. Và vì vậy, quân đội Thái Lan mới làm đảo chính quân sự.

BTV: Giới quan sát cũng như những bình luận quốc tế Thái Lan nhận định ra sao về tác động của cuộc đảo chính lên chính trường đất nước này trong thời gian tới, thưa anh?

Nhà báo Xuân Sơn: Giới quan sát cho rằng, trong ngắn hạn tình hình an ninh trật tự xã hội có thể tốt hơn, tuy nhiên bao trùm lên tất cả là cả một bộ máy hành pháp, cho dù là không tồn tại một cách đầy đủ và đang ở một vị thế rất mong manh đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Một số nước đã có ngay những phản ứng mà mạnh nhất là tuyên bố 22/5 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi thất vọng về cuộc đảo chính và cho rằng, tương lai chính trị của Thái Lan vẫn phải thông qua bầu cử. Do cuộc đảo chính vừa xảy ra nên có thể hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục thấy những phản ứng của nhiều nước về cuộc đảo chính quân sự này tại Thái Lan.

Xin cảm ơn anh!./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên