Đảo chính tại Niger: ECOWAS ra tối hậu thư, có thể can thiệp quân sự
VOV.VN - Hôm qua (30/7), các nhà lãnh đạo Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã ra tối hậu thư yêu cầu phe đảo chính quân sự tại Niger khôi phục trật tự Hiến pháp và quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum, cảnh báo có thể sử dụng biện pháp quân sự để can thiệp.
Tuyên bố chung kết thúc cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp các nhà lãnh đạo Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) được tổ chức tại thủ đô Abuja của Nigeria, nêu rõ: chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra tại Niger có 1 tuần để từ bỏ quyền lực và khôi phục trật tự hiến pháp cũng như chức vụ cho Tổng thống Mohamed Bazoum.
Sau thời hạn 1 tuần, nếu yêu cầu này không được đáp ứng, ECOWAS sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, có thể bao gồm cả biện pháp quân sự, để can thiệp nhằm khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger. Trong trường hợp biện pháp quân sự được lựa chọn, các Tổng tham mưu trưởng quân đội các nước ECOWAS sẽ nhóm họp ngay lập tức.
Cùng với tối hậu thư trên, các nhà lãnh đạo 15 nước Tây Phi cũng quyết định áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào phe đảo chính tại Niger, bao gồm việc đóng băng mọi giao dịch tài chính và thương mại giữa các nước ECOWAS và Niger, đóng cửa biên giới với Niger, cấm nhập cảnh đối với cá nhân tham gia và liên đới trong cuộc đảo chính. Bên cạnh đó, tuyên bố chung của các lãnh đạo Tây Phi cũng cực lực lên án một số lực lượng nước ngoài hậu thuẫn và tiếp tay cho cuộc đảo chính tại Niger.
Ngay sau cuộc họp, Tổng thống Cộng hòa Shad Mahamat Idriss Déby đã đề xuất đích thân đến Niger để đàm phán với phe đảo chính.
Trong phản ứng đầu tiên về động thái của ECOWAS, chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra tại Niger đã ra tuyên bố cáo buộc các quốc gia Tây Phi tìm cách can thiệp thù địch vào Niger, cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng. Trước đó, chính quyền quân sự với tên gọi Hội đồng Quốc gia bảo vệ Tổ quốc tại Niger, đã chỉ định tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống, làm Chủ tịch cơ quan này, phớt lờ mọi lời kêu gọi và cảnh báo quốc tế.