Đảo chính tại Niger: Nhen nhóm cơ hội đối thoại
VOV.VN - Chính quyền quân sự Niger và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đang có những động thái đối thoại tích cực, được quốc tế chờ đợi, nhằm tránh một cuộc xung đột quân sự giữa hai bên.
Tuy nhiên, các kết quả đạt được là chưa rõ ràng. Do đó, chính quyền quân sự Niger cũng đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ hơn nữa về mặt quân sự từ các nước đồng minh, để có thể sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất.
“Lực lượng đảo chính tại Niger đã sẵn sàng mở cánh cửa đối thoại với các nước Tây Phi (ECOWAS), để giải quyết bất đồng giữa hai bên về cuộc đảo chính vừa diễn ra” – Đó là tuyên bố của một nhóm học giả Hồi giáo Nigeria khi đến Niger với vai trò hòa giải, sau khi nhận được sự chấp thuận của Tổng thống Nigeria – Chủ tịch ECOWAS.
Đích thân nguyên thủ tự xưng Niger – Tướng Abdourahamane Tiani đã tiếp nhóm học giả này trong nhiều giờ đồng hồ. Tướng Tiani cho biết, cuộc đảo chính tại Niger là có chủ đích và nước này rất buồn vì tối hậu thư của ECOWAS về việc can dự quân sự vào Niger. Người này cho rằng, Khối các quốc gia này thời gian qua đã không lắng nghe ý kiến của đại đa số người dân Niger.
Sau nhóm học giả Hồi giáo Nigeria, Nghị viện ECOWAS cũng đang đề xuất gửi một nhóm nghị sĩ tới Niger, để tiếp tục thúc đẩy hòa giải, với mong muốn có thể khôi phục chính quyền được bầu tại Niger thông qua giải pháp ngoại giao và hòa bình.
Tuy nhiên, rất khó để ECOWAS thuyết phục được lực lượng đảo chính Niger khôi phục quyền lực cho chính quyền bị lật đổ. Hôm qua, trên kênh truyền hình quốc gia, người phát ngôn quân đội Niger, Đại tá Amadou Abdramane còn tuyên bố sẽ truy tố Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và nhiều đồng phạm, vì tội phản quốc và phá hoại an ninh quốc gia. Người này cũng lên án các biện pháp trừng phạt từ ECOWAS là “vô nhân đạo” khi tước đi những nguồn hàng hóa thiết yếu của người dân Niger, như thuốc men, thực phẩm và điện sinh hoạt.
Tại thủ đô Niamey và nhiều thành phố khác của Niger, người dân đang phải vật lộn với tình trạng mất điện liên tục và kéo dài, đường phố và khu dân cư đã quen với việc chìm trong bóng tối:
“Chúng tôi từng làm việc từ 8h sáng đến chiều tối, nhưng giờ thì không thể. Chúng tôi có điện trung bình 1 tiếng rưỡi mỗi ngày. Rất khó để làm việc hiệu quả trong điều kiện như vậy. Kể từ khi Niger cắt điện, chúng tôi gần như ngừng hoạt động. Chúng tôi cố gắng làm việc với một máy phát điện, nhưng chi phí quá đắt đỏ”.
“Điều này có thể gây ra lạm phát rất cao. Tình trạng mất điện sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế nghiêm trọng, vì điện là sản phẩm xuyên suốt được sử dụng trong hầu hết các hoạt động kinh tế”.
Hiện các cuộc đàm phán giữa chính quyền quân sự Niger và khối ECOWAS vẫn chưa thu được bất kỳ kết quả rõ ràng nào, trong khi khác biệt giữa hai bên đang là quá lớn. ECOWAS và các nước phương Tây vẫn muốn khôi phục chính quyền dân sự được bầu; trong khi điều này dường như là không thể với lực lượng đảo chính Niger.
ECOWAS cũng đang vẫn giữ nguyên khả năng can dự quân sự vào Niger, với một cuộc họp cấp Tham mưu trưởng đang được lên kế hoạch. Trong khi, chính quyền quân sự Niger cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ quân sự từ các nước đồng minh láng giềng, ngoài Mali và Bukina Faso
Hôm qua, chính quyền quân sự Niger đã cử Bộ trưởng Quốc phòng - Tướng Moussa Salaou Barmou đến thăm Guinea – quốc gia cũng đang dưới sự điều hành của chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính năm 2021 – để bàn về sự hợp tác giữa hai bên.