Hướng tới thế giới không vũ khí hạt nhân:

Dấu mốc mới

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ gần 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều khẳng định: chung tay ngăn chặn hiểm hoạ hạt nhân. 

>> Các nước cần hợp tác vì an ninh hạt nhân

>> Hội nghị đầu tiên về an ninh hạt nhân

>> Mỹ kêu gọi ngăn chặn khả năng vũ khí hạt nhân rơi vào tay khủng bố

Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân tại thủ đô Washington kết thúc chiều 13/4, với tuyên bố chung khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế về bảo đảm an ninh hạt nhân, đánh dấu một mốc mới trong tiến trình hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Đây là Hội nghị quốc tế lớn nhất về an ninh hạt nhân và không phố biến vũ khí hạt nhân kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Cũng kể từ thời điểm đó đến nay, có thêm nhiều quốc gia có vũ khí hạt nhân, nhiều nước có công nghệ hạt nhân ở những mức độ khác nhau.

Năng lượng hạt nhân, có tác dụng rất to lớn trong công cuộc phát triển đất nước và nếu được sử dụng an toàn, vào mục đích hoà bình, dân sự, sẽ mang lại hiệu quả cao cho các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Ngược lại sẽ đem lại những hậu quả khủng khiếp đối với con nguòi và môi trường.

Thực tế, hiện nay, lực lượng khủng bố Al-Qaeda toan tính sử dụng công nghệ và vật liệu hạt nhân vào các cuộc tấn công của chúng, đe doạ để lại những hậu quả khôn lường.

Cho dù tổ chức khủng bố này cũng như các phần tử cực đoan khác chưa đủ trình độ kỹ thuật để chế tạo bom nguyên tử, nhưng chúng lại dễ dàng chế tạo loại vũ khí được gọi là “bom bẩn”, từ các nguyên liệu hạt nhân như: uranium và plutonium, với kích cỡ chỉ bằng quả táo, nhưng lại có thể gây ra cái chết của hàng nghìn ngưòi. Mà các loại này nguyên liệu này đang nằm ở  rải rác trên khắp thế giới và rất nhiều trong đó nằm trong phạm vi quản lý dân sự như trường đại học, lò phản ứng nghiên cứu khoa học… vốn không đựoc bảo vệ nghiêm ngặt.

Cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan cho biết, Al-Qaeda đã tìm loại  những loại nguyên liêu đó hơn 15 năm qua. Chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Australia, Giáo sư Tilman Ruff, thuộc Đại học Melbourne cho rằng, việc các phần tử khủng bố phát động một cuộc tấn công sử dụng “bom bẩn” chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chính vì vậy, nội dung quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân tại Washington là kiểm soát và ngăn chặn nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay khủng bố.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ gần 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Nga… đều khẳng định: chung tay ngăn chặn hiểm hoạ hạt nhân.  Tuyên bố chung của Hội nghị đã thể hiện rất rõ cam kết này. Đó là trong 4 năm tới, bảo đảm an ninh cho tất cả các chất liệu hạt nhân, không để rơi vào tay các lực lượng khủng bố và các tổ chức tội phạm.

Cộng đồng quốc tế hợp tác ngăn chặn việc buôn bán, đánh cắp nguyên liệu hạt nhân, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA để kiểm soát vấn đề này.  Đồng thời, nhiểu nước tham dự Hội nghị đã có những hành động rất cụ thể, như Ukraine quyết định huỷ bỏ toàn bộ số uranium (khoảng 90kg) đã được tinh chế có thể sản xuất bom hạt nhân vào năm 2012. Canada, Chile, Mexico cũng có quyết định tưong tự. Đặc biệt, ngay tại Hội nghị, Nga và Mỹ đã ký nghị định thư mới, cam kết mỗi bên sẽ hoàn thành việc loại bỏ 34 tấn putoni - số lượng đủ chế tạo 17.000 đơn vị vũ khí hạt nhân.

Việt Nam cũng thể hiện ý thức trách nhiệm cao qua việc tham gia nhiều chương trình, sáng kiến của cộng đồng quốc tế, trong đó có hợp tác với IAEA, Mỹ và Nga chuyển đổi nhiên liệu urani làm giàu ở cấp độ cao sang urani làm giàu ở cấp độ thấp của lò phản ứng nghiên cứu và hợp tác với Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản, Mỹ sử dụng thiết bị phát hiện bức xạ  tại các cảng biển của Việt Nam.

Đây là những kết quả tích cực đáng khích lệ, không chỉ có ý nghĩa trong việc ngăn chặn những mối hiểm hoạ khôn lường về vũ khí hạt nhân, mà còn tạo thêm một mốc mới trong tiến trình hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, với sự kiện chính trị quan trọng này, không có nghĩa đã hết những trắc trở, phức tạp trên con đường tiến tới  kỷ nguyên hạt nhân vì hoà bình.

Vậy nên, để thực hiện có hiệu quả những cam kết tại Hội nghị, các quốc gia, cần thể hiện ý chí của mình bằng những hành động cụ thể. Đặc biệt, các nước có vũ khí hạt nhân, tiếp tục cắt giảm, thậm chí tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, nhằm loại trừ tận gốc mọi hiểm hoạ về hạt nhân, tạo nền tảng cho Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân lần thứ 2 tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2013, có thêm cột mốc có ý nghĩa, củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế vào một thế giới bình yên không vũ khí hạt nhân, sẽ đến trong một tương lai không xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên